Để bảo toàn phân bón (không bị bay hơi khi gặp nắng, không xói mòn khi gặp mưa to, đất dốc), cà phê không bị cháy lá (do phân bốc hơi), đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cà phê kịp thời, nhà nông cần bón phân đúng thời kỳ khi đất đã đủ ẩm bằng cách rạch rãnh, bón phân, lấp đất, không nên chờ bón theo mưa.
Nhu cầu dinh dưỡng và tình hình sử dụng phân bón
Cà phê có tên khoa học là: Coffea sp. Là cây công nghiệp nhiệt đới lâu năm, họ cà phê: Rubiaceae. Có 2 loài phổ biến sau đây ở nước ta là: Cà phê vối (coffea canephora piere hay coffea robusta linden) và cà phê chè (coffea arabica liné).
Cà phê có khả năng cho năng suất rất cao nếu thỏa mãn các điều kiện sinh thái, đất đai và đầu tư phân bón, tưới nước tốt. Trong cùng điều kiện sinh thái, những vườn được đầu tư phân bón đầy đủ, hợp lý sẽ cho năng suất cao hơn, hay nói cách khác những vườn cà phê cho năng suất cao thì cần lượng dinh dưỡng nhiều hơn.
Trong 1 tấn cà phê nhân có chứa từ 35 – 40kg N; 6 – 8kg P2O5; 40 – 45kg K2O và các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng khác. Tuy nhiên, nông dân trồng cà phê sử dụng phân bón không cân đối về tỷ lệ, số lượng quá cao so với năng suất cần đạt, gây lãng phí, tăng chi phí, giảm chất lượng cà phê và ô nhiễm môi trường. Như vậy, để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng phân vô cơ đa lượng, cần điều chỉnh lượng phân đạm, kali và lân đối với cà phê vối cho phù hợp với mức năng suất đạt được; đối với cà phê chè ngoài việc điều chỉnh lượng phân đạm, lân, kali xuống mức phù hợp thì cần điều chỉnh về tỷ lệ cân đối N: P2O5:K2O và bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng
Tổng hợp các kết quả nghiên cứu ở Tây Nguyên cho thấy, đối với cả 2 loài cà phê vối và chè thì tỷ lệ trung bình N : P : K là 2 : 1 : 2.
Kết quả điều tra cho thấy đại đa số nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên (92,6%) sử dụng phân hỗn hợp NPK; khoảng 40,8 – 67,4% hộ sử dụng các loại phân đơn như: SA, urê, lân nung chảy, supe lân, kali clorua.
Các đợt bón phân
Tùy theo điều kiện thời tiết của từng vùng mà các đợt bón có thể vào các tháng khác nhau giữa các vùng, song các đợt bón phân nhằm vào các thời điểm: Đợt 1: Bón trong mùa khô, tăng cường dinh dưỡng cho vườn cây sau khi thu hoạch, cắt cành tạo hình và cà phê đã ra đợt hoa đầu tiên, kích thích phát sinh cành và hỗ trợ đợt hoa thứ 2; đợt 2: Khi mùa mưa bắt đầu và đất đã đủ ẩm; đợt 3, 4: Cách đợt trước từ 1,5-2 tháng.
Trong điều kiện khí hậu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, các đợt bón phân cần tiến hành vào các thời điểm như sau: Đợt 1: Lần tưới thứ 2 (tháng 1-2); đợt 2: Đầu mùa mưa (tháng 4-5); đợt 3: Giữa mùa mưa (tháng 6-7); đợt 4: Cuối mùa mưa (tháng 8-9).
Phương pháp bón
Bón trực tiếp vào đất, trước khi bón phân phải làm sạch cỏ dại.
Đối với cà phê ở năm trồng mới, phân chuồng được bón lót cùng với phân NPK theo phương pháp rạch rãnh quanh tán, cách gốc 15-20cm, bón phân, sau đó lấp đất sâu 3-5cm.
Đối với cà phê năm thứ 2 trở đi, bón rải theo hình vành khăn hoặc hai bên rộng từ 15-20cm theo mép tán lá, xới trộn đều với lớp đất mặt và lấp đất.
Lưu ý: Để bảo toàn phân bón (không bị bay hơi khi gặp nắng, không xói mòn khi gặp mưa to, đất dốc) và cà phê không bị cháy lá (do phân bốc hơi) đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cà phê kịp thời, cần bón phân đúng thời kỳ khi đất đã đủ ẩm bằng cách rạch rãnh, bón phân, lấp đất. Không nên chờ bón theo mưa!
Bón phân NPK-S Lâm Thao cho cà phê (kg/ha)
Cà phê vối mật độ 1.110-1.330 cây/ha; cà phê chè 4.440-5.000 cây/ha.
Giai đoạn kiến thiết cơ bản
Bón lót khi trồng:
Bón cho 1 hố: 15 – 20kg phân chuồng, 1,0-1,5kg NPK-S*M1 5.10.3-8 (hoặc 0,7-0,9kg lân nung chảy, 0,1-0,2kg urê). Nếu quy 1ha thì tương đương 25-30 tấn phân chuồng, 1.250-1.800kg NPK-S*M1 5.10.3-8 (hoặc 900-1.200kg lân nung chảy, 130-250kg urê).
Bón thúc:
Trong từng năm phải bón các loại phân NPK-S có tỷ lệ khác nhau để có đủ hàm lượng dinh dưỡng NPK-S cho cà phê theo tuổi và dao động được tính cho cà phê vối và cà phê chè như sau:
Năm 1: Sử dụng NPK-S10.10.5-7, lượng bón: 1.200 -1.500kg, chia đều làm 4 đợt.
Năm 2: Sử dụng NPK-S10.10.5-7, lượng bón: 2.000 -2.500kg, chia đều làm 4 đợt.
Năm 3: Sử dụng NPK-S10.10.5-7, lượng bón: 2.500 -3.000kg, chia đều làm 4 đợt.
Giai đoạn cà phê kinh doanh và tu bổ
Đối với cà phê vối để đạt năng suất 3,5-4,0 tấn nhân/ha và cà phê chè 2,5-3,0 tấn nhân/ha hàng năm sử dụng phân bón NPK-S*M1 12.5.10-14 để bón 300-400kg vào đợt 1 + 800 – 1.000kg vào đợt 2 + 1.000 -1.200kg vào đợt 3 và 700 -800kg vào đợt 4.
Có thể tăng hoặc giảm 10-15% lượng phân bón trên cho mỗi tấn cà phê nhân.
Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã và đang kết hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa xây dựng các quy trình bón phân NPK-S đồng bộ khép kín các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, trong đó có cà phê và đã được thực hiện ở các địa phương để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.