Bảo hộ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài gặp khó

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng việc triển khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” ra nước ngoài của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột (BMTCA) vướng không ít khó khăn.

Chậm chân ở thị trường lớn

Hơn một năm qua, đồng thời với việc đại diện đứng tên khiếu kiện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Buonmathuot Coffee) bị một doanh nghiệp tại Trung Quốc đăng ký bảo hộ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh (đơn vị tư vấn được chọn) nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận theo hệ thống Madrid với các nước thành viên, gồm: Pháp, Mỹ, vùng lãnh thổ Benelux (Bỉ, Luxembua, Hà Lan), Thụy Sĩ, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Ý, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc; nhãn hiệu chứng nhận chỉ định ở Canada, chỉ dẫn địa lý ở Thái Lan và tên gọi xuất xứ hàng hóa với Liên bang Nga.

caphe_BMT_1.jpg;pvf58b63b90578d012

Theo Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, đến nay các nước đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Buonmathuột Coffee gồm: Tây Ban Nha, Vùng lãnh thổ Benelux (Bỉ, Hà Lan, Luxembua) sau khi bổ sung hồ sơ hợp lệ. Các nước còn đang xem xét đơn đăng ký là Pháp, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Ý, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Nga.

Trong khi đó, một số nước đã thông báo tạm thời từ chối là Mỹ, Đức, Vương quốc Anh, Canada, Hàn Quốc.

Có một số lý do dẫn đến việc từ chối đơn tại một số quốc gia. Ở Vương quốc Anh, Đức thì theo quy định luật pháp, Buôn Ma Thuột là tên địa lý chỉ nguồn gốc của sản phẩm cà phê và không ai được quyền sở hữu riêng (kể cả Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột) và không có khả năng phân biệt nên không được bảo hộ.

Các nước Mỹ, Canada, Hàn Quốc thì từ chối do nhãn hiệu đăng ký gây nhầm lẫn với nhãn hiệu tương tự đã được bảo hộ trước đó tại các quốc gia này.

Theo tìm hiểu của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, tại Mỹ, Công ty Rice Field Corporation, California, đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Cafe Ban Me Thuot vào ngày 4.8.2003. Còn tại Canada, cà phê nhãn hiệu Buonmathuot cũng được Starbucks Corporation đăng ký ngày 4.3.1998. Tại Hàn Quốc, nhãn hiệu “Buon” cho nhóm 30 (sản phẩm cà phê) đã được một chủ nhân tên Lee Mi Hyang đăng ký và được cấp bằng ngày 6.1.2005.

Không bỏ cuộc

Ông Trịnh Đức Minh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết Hiệp hội đã cùng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh đang tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc phản đối thư từ chối ở các nước Canada, Đức, Mỹ, Hàn Quốc.

“Tuy nhiên, qua trao đổi với những chuyên gia về sở hữu trí tuệ, có thể nhận định ở một số trường hợp đã từ chối đơn đăng ký lần hai (như Vương quốc Anh), nếu phản đối cũng không được chấp nhận nên không cần phải theo đuổi phản đối”, ông Minh cho hay.

caphe_BMT_2.jpg;pv3365a8778f55af14

Theo ông Minh, ở một số quốc gia như Mỹ, Canada, Hàn Quốc đã đăng ký trước nhãn hiệu trong đó có từ “Buon”, “buon café” hoặc “Buon Ma Thuot” gây nhầm lẫn với nhãn hiệu tương tự thì theo quy định có thể cho phép khiếu kiện ra tòa.

Tuy nhiên, việc này cần có chủ trương và tốn kém kinh phí để chọn các công ty luật có khả năng khiếu kiện tại các quốc gia trên nhằm yêu cầu hủy bỏ việc đăng ký trước đó và công nhận nhãn hiệu Buon Ma Thuot Coffee của VN.

Ngoài ra, ông Minh cũng nhận định có nhiều cơ hội thuận lợi cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột vào EU, sau khi nước mắm Phú Quốc được EU công nhận chỉ dẫn địa lý.

Hiện Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đang đề xuất các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở thị trường lớn này. Dự kiến kinh phí cho hoạt động này khoảng 500 triệu đồng.

Chưa nhiều doanh nghiệp tận dụng nhãn hiệu

Theo ông Trịnh Đức Minh, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cho 11 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc tận dụng nhãn hiệu này để đem lại hiệu quả kinh tế lại tùy thuộc vào doanh nghiệp xuất khẩu thương lượng và có được đối tác nhập khẩu công nhận, trả thêm giá trị cho việc sử dụng nhãn hiệu hay không.

Cho đến nay, mới chỉ có một doanh nghiệp ở Đắk Lắk là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 dán nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột lên bao bì sản phẩm cà phê nhân, với khối lượng khoảng 1.200 tấn xuất khẩu qua các thị trường Nhật Bản, Bosnia, Ukraine. Sản phẩm khi có nhãn hiệu này được bán với giá cao hơn cà phê nhân bình thường từ 50-60 USD/tấn.