Báo động nạn phá hoại hoa màu của nông dân

Thời gian gần đây, trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới xuất hiện nhiều trường hợp kẻ gian chặt phá vườn cây ăn trái, hoa màu của nông dân. Một điều đáng lên án là hầu hết các vụ phá hoại này, thủ phạm đều có chủ ý không cho chủ vườn khôi phục lại được diện tích đã bị chặt phá, chính vì vậy, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

dak-lak-bao-dong-nan-pha-hoai-hoa-mau-cua-nong-dan

Nhiều người dân các xã biên giới phải lập chòi canh 24/24 giờ để bảo vệ nông sản gần đến mùa thu hoạch.Ảnh: Hoàng Anh Trần

Bỗng dưng trắng tay

Tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích trồng hồ tiêu và có sản lượng tiêu nhiều nhất khu vực Tây Nguyên, chính vì vậy, từ lâu địa phương này được mọi người gọi với cái tên “thủ phủ hồ tiêu”. Mấy năm trở lại đây, giá hồ tiêu tăng cao nên bà con nông dân trong tỉnh Đắk Lắk rất phấn khởi, quyết tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng loại cây kinh tế này. Cũng nhờ trồng hồ tiêu mà không ít hộ nông dân ở Đắk Lắk đã trở thành tỷ phú, đời sống của người dân ngày một cải thiện.

Thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ khi giá tiêu trên thị trường tăng cao, tình trạng chặt phá vườn tiêu ở Đắk Lắk diễn biến phức tạp, kẻ xấu đã lén lút vào các vườn tiêu của người dân để cắt dây tiêu mang đi bán làm tiêu giống hoặc cố tình tàn phá hoại vì thù hằn cá nhân. Nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, nhiều gia đình sau 1 đêm đã trắng tay vì bị kẻ gian lẻn vào chặt phá hàng trăm trụ tiêu đang đến mùa thu hoạch khiến cho người dân vô cùng bức xúc.

Trước tình trạng phá hoại vườn hồ tiêu của nông dân, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra, xử lý. Nhiều đối tượng phạm tội đã bị các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm khắc trước pháp luật để răn đe cho những kẻ khác. Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng xuống, thì nay tình trạng phá hoại vườn tiêu lại có chiều hướng tái diễn.

Cách đây không lâu, vào đêm 29-6, vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Viết Vĩnh, trú tại thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin đã bị các đối tượng lẻn vào vườn chặt hạ 26 trụ tiêu cao 4m đang ra trái non, để đem bán dây tiêu, ước tính thiệt hại cho gia đình lên tới hàng chục triệu đồng. Ngay sau khi phát hiện sự việc, ông Vĩnh đã nhanh chóng trình báo chính quyền địa phương và Công an huyện Cư Kuin. Sau nhiều ngày truy tìm dấu vết, Công an huyện Cư Kuin đã bắt giữ được 3 đối tượng gồm: Phạm Văn Việt, SN 1993, trú tại xã Ea Hu; Trần Minh Thoại, SN 1995, trú tại xã Cư Êwi và Phan Trần Thông, SN 1990, trú tại xã Ea Ning, là những đối tượng đã chặt phá vườn tiêu nhà ông Vĩnh. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi cắt trộm dây tiêu của gia đình ông Vĩnh, rồi chia ngắn thành 920 đoạn dây tiêu với chiều dài 40 – 60cm đem bán được trên 13 triệu đồng để lấy tiền tiêu xài.

Chỉ vì “ghen ăn tức ở”

Không chỉ có vấn nạn cắt, nhổ trộm dây tiêu để bán ra thị trường làm tiêu giống kiếm tiền bất chính, một số địa phương khác trong tỉnh Đắk Lắk còn xảy ra tình trạng chặt phá vườn tiêu với mục đích phá hoại kinh tế gây thiệt hại lớn cho chủ vườn. Điển hình như gia đình của ông Phạm Văn Dân, trú tại xã Cư DliêM’nông, huyên Cư M’gar, chỉ trong một đêm, kẻ gian đã lẻn vào rẫy chặt phá hơn 40 trụ tiêu của gia đình. Đây là những trụ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi trụ tiêu một năm cho thu hoạch cả chục ki-lô-gam, với giá tiêu như hiện nay thì hơn 40 trụ tiêu của gia đình ông Dân cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng…

Cũng giống như tình trạng chặt phá vườn tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nông dân ở các xã miền núi thuộc các tỉnh Bắc miền Trung đang “cười ra nước mắt” khi chứng kiến những vườn cây ăn trái với bao công sức, tiền của gia đình đổ vào chăm sóc, sắp đến ngày thu hoạch thì giờ bỗng chốc chết khô. Điển hình, vào tháng 8-2017, một công ty trồng chanh leo tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã đến Đồn BP Tri Lễ trình báo, chỉ trong vòng 1 đêm, hơn 1.200 gốc chanh leo đang kỳ thu hoạch bị kẻ xấu cắt ngang thân, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Sau hơn một tháng điều tra truy tìm thủ phạm, lực lượng phối hợp gồm Công an huyện Quế Phong và Đồn BP Tri Lễ đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng chính gồm: Mong Văn Xanh, 32 tuổi và Mong Văn Nghệ, 23 tuổi, cùng trú tại xã Tri Lễ về hành vi hủy hoại tài sản và trộm cắp tài sản của công dân.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng đã khai do công ty kinh doanh chanh leo có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây mùi khó chịu cho người dân tại địa phương. Bực mình, Mong Văn Nghệ đến nhà rủ ông anh họ Mong Văn Xanh đi chặt phá cây cho “hả giận”. Thấy chú em Mong Văn Nghệ trình bày lý do phải “sống trong môi trường độc hại” nên Mong Văn Xanh liền “nhiệt tình” hưởng ứng. Chờ cho đêm xuống, khi mọi người đã ngon giấc, cả 2 xách dao đến rẫy chanh leo chặt phá không thương tiếc. Sau khi chặt đã mỏi tay, cả hai còn lấy trộm một đường ống dẫn nước bằng nhựa và một chiếc bạt mang về sử dụng.

Mới đây nhất, ngày 9-9-2017, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa nhận được đơn kêu cứu của anh Nguyễn Quang Mạnh, trú tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Theo nội dung đơn của anh Mạnh cho biết, năm 2016, gia đình anh trồng hai vạn chồi dứa trên diện tích 5.000m2 tại khu vực Gò Giang. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay, cây dứa đã sắp đến kỳ thu hoạch. Sáng ngày 9-9, vợ chồng anh lên thăm dứa thì phát hiện hơn 2/3 rẫy dứa đã bị kẻ xấu lén dùng thuốc diệt cỏ nồng độ cao phun vào gây “chết cháy”. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn phát hiện nhiều quả dứa bị chém ngang quả. Số dứa bị thiệt hại ước tính khoảng trên 16 tấn, trị giá gần 200 triệu đồng.

Khó xử lý

Qua các vụ việc trên cho thấy, các đối tượng thường chọn thời gian gây án vào ban đêm, khu vực trồng các loại cây nông sản ở vùng hẻo lánh và lợi dụng chủ vườn không trông coi để hành động nên việc thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra gặp không ít khó khăn. Đa số các vụ phá hoại kiểu này là do mâu thuẫn cá nhân, có thể khoanh vùng nghi phạm nhưng việc điều tra làm rõ không dễ dàng chút nào. Nhiều vụ xác định được thủ phạm, nhưng đấu tranh để bắt chúng phải cúi đầu nhận tội là điều rất khó khăn, nếu không bắt được quả tang.

Nhằm dẹp yên vấn nạn trên, giúp người dân cởi bỏ được tâm lý lo lắng, lực lượng Công an, BĐBP tại địa bàn các tỉnh miền núi, biên giới cũng đã vào cuộc quyết liệt và sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tìm ra một số đối tượng chủ mưu phá hoại trừng trị trước pháp luật, lập lại an ninh trật tự, chấm dứt nạn “nông tặc”, gây hoang mang trong nhân dân.

Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục triển khai lực lượng trấn áp các đối tượng để người dân ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, tại các vùng trọng điểm trồng các loại cây nông nghiệp có giá trị cao như tiêu, cà phê, chanh leo… thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo lực lượng dân quân, công an xã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền, vận động bà con chủ động tố giác tội phạm, đề cao cảnh giác, có biện pháp thích hợp để bảo vệ vườn cây nhà mình.