Đối với một số người sản xuất ra hạt cà phê hoặc một số đại lý, công ty thu mua cà phê, người ta cố gắng tích trữ hay thu gom cà phê rồi cất giữ trong kho hoặc ký gửi, cầm cố,… do chưa thỏa mãn với mức giá hiện tại, với kỳ vọng giá sẽ tăng cao hòng mong có một mức lợi nhuận lớn hơn.
Đã có nhiều người nông dân, nhiều đại lý, nhiều công ty thành công trong việc găm giữ hàng vì đã bán ra đúng thời điểm.
Mô hình “đầu tư” này càng ngày càng lan rộng. Lượng tích trữ ngày càng lớn, tạo ra một lượng “tồn kho” cao. Gây nên sự khan hiếm giả tạo trên thị trường. Làm biến đổi cung – cầu của thị trường, góp phần tạo nên những con sóng tăng giảm của giá cà phê Việt Nam và thế giới.
Găm giữ hàng để kiếm thêm một khoản tiền chênh lệch giá. Găm giữ hàng trong một cộng đồng sẽ hỗ trợ giá nhưng người găm giữ hàng cần chuẩn bị, và nắm bắt thông tin thị trường để bán ra đúng thời điểm. Nếu cơ hội giá cao qua rồi, không bán ra mà khư khư nắm giữ, lại trở thành một điều dở.
Bản chất của việc găm hàng chờ giá
Trên thị trường, kỳ vọng của mỗi người là khác nhau. Có người phải “bán lúa non” vì không cầm cự được trước áp lực cần tiền mặt để chi tiêu, có người chốt lời thành công mỹ mãn, có người găm hoài thậm chí không bán ra khi giá đã tăng chót vót, có người “ngồi im” nhìn giá ngày một tụt giảm mà cà phê chất như núi trong kho.
Trên tất cả các thị trường hàng hóa, giá cả quyết định bởi cung cầu. Việc găm hàng, tích trữ chờ giá lên ban đầu sẽ làm nguồn cung thiếu hụt dẫn đến việc hỗ trợ giá lên hoặc ngăn chặn đà giảm giá hoặc làm giá ổn định do giảm hiện tượng bán hàng ào ạt ngay đầu vụ hay cùng một lúc. Nhưng khi tổng lượng găm hàng, tích trữ, “tồn kho” đủ lớn sẽ gây tác dụng ngược. Khi đó, nguồn cung trong hiện tại hoặc dự báo nguồn cung trong tương lai sẽ tăng gây áp lực giảm giá lên thị trường. Kích hoạt tâm lý sợ hãi của người đang nắm giữ hàng, khiến cùng một lúc lượng bán ra ào ạt, đồng thời làm tăng kỳ vọng giá sẽ giảm của người mua (cầu giảm) càng đẩy giá giảm sâu. Lúc này, người mua ép giá là điều dễ hiểu !
Việc tranh nhau bán phá giá sẽ là câu chuyện những người găm hàng hại lẫn nhau và hại cả thị trường!
Bản chất găm hàng là tốt. Nhưng việc quá cố chấp trong kỳ vọng giá lên hay quá hoảng loạn trong thị trường giá xuống,… sẽ là “gậy ông đập lưng ông”.
Nên nhớ vào thời điểm này, mặc dù tổng lượng cà phê còn trong dân hay trong kho của các doanh nghiệp Việt Nam không nhiều nhưng các nước sản xuất cà phê khác đang vào mùa bội thu.
Trước khi tôi trình bày vài ý kiến xử lý tình huống thì tôi xin dẫn giải vài ví dụ thời sự liên quan để bạn suy ngẫm về nguồn cung và việc găm giữ hàng :
– “Dữ liệu báo cáo thường kỳ của Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) cho thấy số lượng tồn kho tiếp tục gia tăng khiến giá cà phê càng giảm sâu.”
– “Theo các nhà quan sát, không có điều gì phải quá ngạc nhiên khi giá cà phê Arabica kỳ hạn giảm sâu xuống mức thấp 3 năm rưỡi, do Brazil bắt đầu bước vào vụ thu hoạch đạt kỷ lục của năm giảm ở chu kỳ hai măm một của cây cà phê Arabica, với sản lượng dự kiến 48,6 triệu bao. Trong khi đó, nhà sản xuất số 1 thế giới vẫn còn một lượng hàng rất đáng kể của vụ trước đang tồn đọng”.
– Trong khi đó, thời tiết đã thuận lợi hơn tại Indonesia, quốc gia sản xuất Robusta đứng thứ ba thế giới, giúp nông dân đẩy mạnh tiến độ thu hoạch, đồng thời báo cáo lượng cà phê xuống tàu trong tháng Năm của Việt Nam, tuy đã gần cuối vụ nhưng không hề giảm, khiến cho thị trường suy yếu”.
– Theo số liệu của Cofenac, Ecuador đã xuất khẩu trong tháng 3/2013 đạt 121.645 bao cà phê, tăng so với xuất khẩu của tháng 3/2012 chỉ đạt 113.314 bao (bao = 60 kg).
– Sản lượng cà phê của Tanzania niên vụ từ tháng 5/2012 đến tháng 4/2013 dự kiến sẽ đạt 65.000 tấn so với chỉ 34.000 tấn của niên vụ trước, nhờ mưa thuận lợi và phân bố đều ở miền bắc Tanzania, một khu vực lớn phát triển cà phê Robusta, Adolph Kumburu
– Nền kinh tế thế giới vẫn chưa đủ sức đem lại những thông tin khả dĩ lạc quan để giúp cho các thị trường hàng hóa khởi sắc đôi chút. Tại các nước sử dụng đồng euro (eurozone), tỉ lệ thất nghiệp vẫn leo thang, trong tháng 4-2013 tăng lên 12,2% so với 12,1% so với tháng trước đó. Như vậy, ước chừng 19,4 triệu người vùng này không có việc làm. Tỉ lệ lạm phát trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5-2013 tăng 1,4% so với 1,2% cách đó 1 tháng.
– Tại Nhật, tuy đã xuất chiêu các biện pháp kích cầu, các chỉ số kinh tế vẫn còn khá bấp bênh. Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Ben Bernanke nói bóng gió rằng trong vòng hai tháng tới, Mỹ có thể rút chương trình kích cầu đợt 3 mà ta thường được biết dưới tên “nới lỏng định lượng”. Chỉ cần chừng ấy thông tin đã gây nên biết bao ước đoán, đồn đại trên thị trường tài chính thế giới. Có người trên sàn vàng ở Mỹ cho rằng “ổng nói vậy mà chắc gì đã vậy” sau một đợt giá kỳ hạn vàng rớt đậm tưởng không cất đầu lên nổi.
– Đồng real Brazil (BRL) tiếp tục vào cuộc chiến tiền tệ, rớt xuống mức sâu nhất tính từ 5 tháng rưỡi nay. Để khơi thông xuất khẩu cho hàng hóa nông sản, ngân hàng trung ương Brazil đành phải phá giá đồng BRL.
– Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng Tư năm 2013 đã lên tới 9,6 triệu bao (bao = 60 kg), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) có trụ sở tại London vừa cho biết vào thứ Năm, 30/05/2013. Tính trong vòng 12 tháng, đến hết tháng 4 năm 2013, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 68,21 triệu bao, tăng từ 65,04 triệu bao, tức tăng 4,9% và xuất khẩu cà phê Robusta lên tới 45,64 triệu bao, tăng từ 38,38 triệu bao, tức tăng 18,9% so với một năm trước đó.
Các giải pháp:
Tôi xin nhắc lại: “Việc găm hàng kỳ vọng giá lên là tốt, là sự tiến bộ của thị trường cà phê Việt Nam”
1. Không nên quá cố chấp vào kỳ vọng giá sẽ đúng như tính toán, dự báo của mình.
2. Nên chia đều lượng hàng của mình ra làm 5 – 6 phần và bán rải đều trong 6 tháng đầu năm (bán trung bình giá).
3. Hoặc bán hết hàng mặt rồi dành ra 1 lượng nhỏ tiền để kinh doanh hàng giấy. Tuy nhiên giải pháp này khá rủi ro với đa số người.
4. Khi bạn cố chấp kiên quyết găm giữ một lượng hàng đang lỗ mà không chịu bán ra dừng lỗ, hay cố gắng chờ giá lên để có thể kiếm thêm chút lợi nhuận thì bạn sẽ mất dần đi sự tỉnh táo, làm bản thân mình mệt mỏi, làm bị động trong lưu lượng tiền mặt, không có được những cơ hội kiếm lợi nhuận khác …. Từ đó, bạn sẽ mất thời gian và sức khỏe cũng như gây tâm lý ức chế, ăn không ngon ngủ không yên. Hãy cân bằng giữ cuộc sống, đầu tư và lợi nhuận, nếu không sẽ mất nhiều thứ.
Nhận định về tình hình giá cà phê hiện nay
– Giá cà phê Robusta chưa có dấu hiệu dừng đà suy giảm. Có nghĩa là tôi chưa thấy một chỉ báo nào cho việc mua vào hoặc hy vọng giá lên trong hiện tại.
– Tôi vẫn giữ quan điểm giá cà phê nhân sẽ giảm dưới 38 triệu/tấn trong tương lai gần.
– Sau đợt giảm giá này, giá Robusta cũng có thể tăng lại nhưng có thể không nhiều, khả năng không bằng giá ngày hôm nay.
– Về trung hạn, tức khoảng quý IV năm 2013, một số dự báo của tôi là giá Robusta sẽ tăng mạnh vẫn rất khả thi.
– Cà phê Arabica kỳ hạn tháng 07/13 sẽ còn giảm sâu, dù cho có lúc tăng lúc giảm nhưng dưới 120 cent/lb là khả thi. Không loại trừ trường hợp giá Arabica giảm dưới 100cent nhé bạn!
– Hiện tại, chỉ số USD đang tăng cũng như lượng cà phê thu hoạch ngày càng nhiều tại nhiều nước trên thế giới đang hậu thuẫn cho việc đầu cơ giá xuống.
– Mặc dù quyết định bán hết hàng là một quyết định rất khó khăn đối với nhiều bà con trong thời điểm này, nhưng bà con cần phải thật tỉnh táo để suy tính thiệt hơn.
Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời kêu gọi các chuyên gia, chuyên viên từ PTKT đến PTCB hãy ngồi lại cùng nhau để đưa ra các chiến lược đầu tư, kinh doanh tốt, giúp ích bà con nông dân trồng cà phê sản lượng cao, bán được giá cao. Hãy cùng nhau tranh luận, phản biện trên tinh thần xây dựng chứ đừng chỉ trích lẫn nhau.
Vài lời chia sẻ, không tránh khỏi có thiếu sót mong bà con đọc, suy ngẫm và góp ý !