Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và cũng là quốc gia xuất khẩu cà phê vối đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu cà phê nhân xô (cà phê nguyên liệu), nên giá trị gia tăng còn quá thấp.
- Giá cà phê giảm, nạn nhân của chiến tranh tiền tệ
- Cà phê Việt Nam “cứu nguy” cho thị trường thế giới
- Các nhà sản xuất cà phê ‘lối cũ ta về’
Ảnh minh họa – TTXVN
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong chiến lược phát triển ngành cà phê, Việt Nam cần sớm có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong, ngoài nước đầu tư tăng tỷ trọng cà phê chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê.
Hiện nay, nước có trên 614.545 ha cà phê, trong đó Tây Nguyên chiếm tỷ lệ khoảng 92% và xuất khẩu mỗi năm đạt từ 1 triệu tấn cà phê nhân trở lên, với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 3,4 tỷ USD trở lên.
Trong khi đó, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, khi bán 1 kg cà phê nhân, với thời giá như hiện nay, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê chỉ thu được khoảng 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu cà phê. Trong lúc đó, mỗi kg cà phê nhân xô lại có thể pha chế được 50 ly cà phê.
Theo tính toán, về khối lượng, cà phê Việt Nam chiếm 20% thị phần thế giới, nhưng về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần. Lấy mốc năm 2012, ngành cà phê thu về trên 4,3 tỷ USD, trong đó thu từ kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân xô là 3,74 tỷ USD và trên 12.000 tỷ đồng, tương đương gần 600 triệu USD từ cà phê chế biến sâu tiêu thụ nội địa. Đây là doanh thu (cà phê chế biến sâu) có được từ việc chế biến trên 5% cà phê nguyên liệu (cà phê nhân xô) của Việt Nam.
Cũng theo ông Lương Văn Tự, nếu xuất khẩu 5% cà phê nguyên liệu này số tiền thu về cũng chỉ xấp xỉ 200 triệu USD. Như vậy, công nghiệp chế biến sâu cà phê đã nâng giá trị cà phê lên hơn 3 lần so với xuất khẩu cà phê nhân (cà phê nguyên liệu).
Cũng theo tính toán của các chuyên gia, 600 triệu USD cho thị trường 90 triệu dân của Việt Nam là còn thấp, trung bình mỗi người cũng chỉ mới sử dụng khoảng 0,7 kg cà phê/năm, bằng 1/10 so với các quốc gia phát triển. Cũng theo các chuyên gia, khoảng 50% lượng cà phê nhân được chế biến thành các sản phẩm cà phê bột, cà phê hoà tan, có giá bán thấp nhất khoảng 5.000 đồng/ly (thực tế là phải từ 10.000 đồng/ly trở lên), ngành cà phê sẽ thu về trên 300.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) ngay tại thị trường nội địa.
Hiện nay, tổng sản lượng cà phê bột, cà phê hoà tan cả nước chỉ đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó cà phê hoà tan 12.000 tấn để tiêu thụ nội địa và một phần xuất khẩu. Ngay tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có nhiều diện tích, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất nước (mỗi niên vụ đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên) nhưng việc chế biến sâu cà phê (cà phê bột, cà phê hoà tan) vẫn còn nhiều hạn chế, chiếm chưa đến 8% trong tổng sản lượng cà phê nhân của tỉnh.
Theo quy hoạch phát triển cà phê đến năm 2030, Việt Nam cần khuyến khích các nhà đầu tư trong, ngoài nước nâng cấp, xây dựng mới các nhà máy chế biến sâu cà phê để có đạt sản lượng từ 135.000 tấn trở lên, trong đó cà phê hoà tan chiếm 60.000 tấn. Tỉnh Đắk Lắk đã có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê bột, cà phê hoà tan, phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi năm sản phẩm cà phê bột cà phê hoà tan chiếm từ 15% trong tổng sản lượng cà phê nhân của tỉnh, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng của ngành cà phê trên địa bàn.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành quy hoạch chi tiết về mạng lưới chế biến cà phê gắn với vùng nguyên liệu, trong đó, tập trung các cơ chế, chính sách để phát triển mạng lưới chế biến sâu cà phê.