Từ ngày 2-7-2008 đến 8-11-2010, bà Võ Thị Kim Ngọc, chủ cơ sở kinh doanh cà phê, đã thu mua cà phê và đem gửi tại kho của Công ty cổ phần đầu tư-xuất nhập khẩu (CPĐT-XNK) cà phê Tây Nguyên số lượng cà phê nhân là 18.356.476kg, bao gồm 4 loại: RI 16: 1.506.332kg; RI 18: 291.821kg; RII 5%: 45.321kg; R xô: 16.513.002kg.
Do mua cà phê với số lượng lớn, và có thể bán lại cho Công ty CPĐT-XNK cà phê Tây Nguyên xuất khẩu, nếu hai bên thống nhất được giá cả, nên bà Ngọc đã đề nghị lãnh đạo công ty cho ứng vay 513.505.229.243 đồng. Theo đó, bà Ngọc sẽ phải trả cho Công ty phí lưu kho và lãi suất là: 131.918.689.334 đồng, sau khi bán số cà phê nói trên. Công ty CPĐT-XNK cà phê Tây Nguyên đã thỏa thuận với bà Ngọc, sau mỗi lần nhập kho, gửi cà phê, sẽ xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) tạm tính (thực chất là xác định số cà phê thực nhập vào kho, làm cơ sở cho đơn vị này đem thế chấp để vay tiền từ ngân hàng rồi cho bà Ngọc vay lại, hưởng lời). Giá ghi trong hóa đơn VAT tạm tính bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường từ 2 đến 3 ngàn đồng/kg và trong đó không ghi cụ thể loại cà phê nào, số lượng bao nhiêu. Sau đó bà Ngọc và công ty sẽ làm thủ tục mua bán với nhau theo giá thị trường tại thời điểm mua bán để khấu trừ nợ đã ứng, lãi suất, phí lưu kho, số tiền chênh lệch còn lại sẽ thanh toán với nhau. 11 hóa đơn VAT xuất ra tương ứng với 11 lần bà Ngọc nhập kho của công ty ghi ngày từ 16-2-2009 đến 16-1-2010.
Theo bản kê tính lãi mà phía Công ty CPĐT-XNK cà phê Tây Nguyên lập ngày 30-6-2010, thì tổng số tiền bà Ngọc ứng là 514.505.229.243 đồng, tiền nợ lãi là 100.534.220.204 đồng. Ngày 15-12-2010, Công ty CPĐT-XNK cà phê Tây Nguyên đề nghị bà Ngọc chốt giá là 35.266 đồng/kg cho toàn bộ lô hàng để công ty mua lại. Song, bà Ngọc không chấp nhận, vì giá thị trường thời điểm đó cao hơn khá nhiều. Sau nhiều lần đề nghị phía công ty cho nhận lại lô cà phê nói trên nhưng không được chấp nhận, bà Ngọc đã phải yêu cầu Tòa dân sự TAND Thành phố Buôn Ma Thuột can thiệp, giúp đỡ bảo vệ quyền lợi của mình.
Sau hai lần hòa giải không thành, cuối tháng 9-2011, hai bên buộc đưa nhau ra Tòa giải quyết. Vào thời điểm Tòa dân sự TAND TP Buôn Ma Thuột tiến hành xét xử sơ thẩm, giá cà phê nhân xô là 45.500 đồng/kg, như vậy lô hàng tương đương 835.219.658.000 đồng. Thế nhưng, tại phiên tòa phía Công ty CPĐT-XNK cà phê Tây Nguyên vẫn một mực khẳng định: 11 hóa đơn VAT do cơ sở của bà Ngọc xuất ra là thể hiện sự “mua đứt, bán đọan”. Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử lý do: Tại sao mua bán một lượng hàng hóa rất lớn mà công ty không trình được hợp đồng mua bán cũng như hóa đơn VAT? Đại diện công ty khẳng định: Hợp đồng miệng cũng có giá trị! Hóa đơn VAT tạm tính mà bà Ngọc xuất ra mỗi lần nhập cà phê vào kho công ty đã thể hiện sự mua bán này.
Về vấn đề hóa đơn VAT tạm tính, ông Phạm Duy Khương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: “Khi xuất hàng giao cho đơn vị nhận ủy thác XNK, công ty phải lập hóa đơn VAT và ghi giá trên hóa đơn là tạm tính… Đến thời điểm chốt giá theo hợp đồng, nếu giá thanh toán thực tế được xác định cao hoặc thấp hơn giá tạm tính vào thời điểm xuất hàng và phải điều chỉnh (tăng, giảm) thì công ty và đơn vị nhận ủy thác XNK phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số lượng, quy cách hàng hóa, mức tăng (giảm) theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn tạm tính), lý do tăng (giảm) giá, đồng thời công ty lập hóa đơn để điều chỉnh giá ở thời điểm chốt giá. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh tăng (giảm) so với giá tạm tính tại hóa đơn số, ký hiệu…”.
Hội đồng xét xử yêu cầu cung cấp bằng chứng việc “mua đứt, bán đọan” giữa hai bên, nhưng đại diện Công ty CPĐT-XNK cà phê Tây Nguyên vẫn chỉ đưa ra các hóa đơn VAT tạm tính mà bà Ngọc xuất ra và cho rằng đây là bằng chứng duy nhất, mà không có hợp đồng mua-bán lô hàng; bản điều chỉnh hóa đơn VAT… như quy định của Tổng cục Thuế! Kết thúc phiên tòa, Tòa sơ thẩm TAND TP Buôn Ma Thuột đã tuyên: Buộc Công ty CPĐT-XNK cà phê Tây Nguyên phải trả lại toàn bộ lô hàng 18.356.476kg cà phê nhân nói trên cho bà Võ Thị Kim Ngọc. Bên cạnh đó, Công ty CPĐT-XNK cà phê Tây Nguyên phải nộp gần 1 tỷ đồng án phí dân sự.
Vụ án đã khép lại, tòa đã xử đúng người, đúng tội, nhưng đây là bài học bổ ích để các doanh nghiệp xem xét, áp dụng trong quá trình ký kết hợp đồng cùng hợp tác làm ăn. Tuy nhiên, dư luận xã hội vẫn cho rằng, vụ án trên có dấu hiệu của hành vi lừa đảo với ý đồ chiếm đoạt tài sản lớn của công dân lên đến hơn 835 tỷ đồng. Hành vi này cần phải được xét xử hình sự, nhằm làm lành mạnh môi trường XNK của Việt Nam./.