Xem xét xử lý nguyên Viện trưởng VKSND gây thất thoát tài sản nhà nước

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa chuyển toàn bộ Kết luận thanh tra đột xuất tại VKSND tỉnh Đắk Lắk cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk để xem xét xử lý theo quy định của Đảng đối với ông Trần Đình Sơn – nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk.

Kết luận thanh tra của VKSNDTC nêu rõ, trong thời gian tại vị, ông Trần Đình Sơn chưa thực hiện hết trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là với tư cách người đứng đầu đơn vị.

Ông Sơn vi phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, đầu tư xây dựng cơ bản, để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước hơn 1,532 tỷ đồng; chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật và quy chế Ngành về thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc chỉ đạo giải quyết một số vụ án gây bức xúc trong dư luận, như vụ án Trương Thị Tính phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ án Hà Thăng Long và đồng phạm phạm tội Giết người và Cố ý gây thương tích, vụ án Phạm Ngọc Diệu Hiền phạm tội Vi phạm các quy định về khai thác vào bảo vệ rừng.

Viện KSND tỉnh Đắk Lắk – nơi hàng loạt các lãnh đạo chủ chốt bị xem xét xử lý trách nhiệm vì để xảy ra nhiều vi phạm, sai phạm.

Kết luận thanh tra nhận định, vi phạm của ông Trần Đình Sơn là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét kỷ luật, nhưng do ông Sơn đã nghỉ hưu từ 1.3.2018 nên chuyển toàn bộ Kết luận thanh tra này đến Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk để xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Tại Kết luận thanh tra này, VKSNDTC cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với ông Lê Quang Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk.

Ông Lê Quang Tiến, ngoài việc liên đới chịu trách nhiệm tập thể về những thiếu sót, vi phạm của VKSND tỉnh, còn phải chịu trách nhiệm đối với những thiếu sót, vi phạm xảy ra ở đơn vị được phân công phụ trách; chịu trách nhiệm cá nhân về việc để xảy ra Tòa tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại đối với các vụ án Nguyễn Trọng Nghĩa phạm tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc, Phạm Văn Thắng phạm tội Tham ô tài sản và thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ án Đỗ Thái Vũ phạm tội Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Hà Thăng Long phạm tội Giết người và Cố ý gây thương tích, Nguyễn Xuân Lộc phạm tội Giết người.

Theo Kết luận thanh tra của VKSNDTC, vi phạm của ông Lê Quang Tiến là chưa làm tròn trách nhiệm. Do là cấp phó, trong khi đó người đứng đầu đơn vị có cá tính nóng nảy, quyết đoán trong giải quyết công việc nhưng có việc chỉ đạo còn mang tính chủ quan, không đưa ra bàn bạc trong tập thể lãnh đạo, nên ông Tiến ngại va chạm, sợ mất đoàn kết trong lãnh đạo Viện dẫn đến thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo giải quyết một số vụ án, để kéo dài thời gian.

Ngoài ra, VKSND TC cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 2 Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk là các ông Trần Quốc Nhơn, Nguyễn Hồng Kỳ (cùng là Phó viện trưởng) vì để xảy ra sai sót, vi phạm ở đơn vị được phân cấp phụ trách; chịu trách nhiệm cá nhân về việc xảy ra tòa tuyên hủy án điều tra, xem xét lại đối với một số vụ án Cố ý gây thương tích, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa…

Các Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Chánh và Phó chánh Văn phòng, Kế toán trưởng, Chánh Thanh tra Viện KSND tỉnh cũng bị yêu cầu xem xét trách nhiệm, xử lý vì để xảy ra thiếu sót, vi phạm trong công việc.

VKSNDTC giao Thanh tra VKSNDTC tham mưu để thu hồi số tiền hơn 1,532 tỷ đồng bị thất thoát tại VKSND tỉnh Đắk Lắk; giao Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng rút hồ sơ vụ án Lê Hữu Nhạc (tội Cưỡng đoạt tài sản) theo quy định để nghiên cứu xem xét dấu hiệu oan sai, kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định.