Tội phạm ma tuý tại Đắk Lắk những năm gần đây

Đắk Lắk là một tỉnh trọng điểm của khu vực miền trung Tây Nguyên và cả nước, trong những năm qua, tình hình tệ nạn và tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

chat-ma-tuy_0_1

Ảnh minh họa

Tệ nạn ma túy xảy ra hầu hết các xã, phường, thị trấn, trong đó tập trung nhiều là Tp. Buôn Ma Thuột và các huyện Ea Hleo, Krông Năng, Ea Kar…. Tính đến thời điểm 31/5/2015, toàn tỉnh có 1.380 người nghiện ma túy (đầu năm 2011 có 716 người nghiện), trong khi đó mới chỉ có 267 người đang được đưa đi cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, số còn lại vẫn đang ở ngoài xã hội, có 127/184 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (năm 2011 có 110/184 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy).

Tội phạm về ma tuý hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn, có sự liên kết chặt chẽ với các đối tượng hình sự để hình thành các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép ma tuý liên tỉnh hoặc khép kín trong các gia đình, nguồn ma túy chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ, lợi dụng xe khách chất lượng cao, các đối tượng trực tiếp vận chuyển trên xe khách hoặc gửi ma túy thông qua hình thức gửi quà dấu ma túy bên trong từ các tỉnh, thành phía Bắc và từ các tỉnh lân cận, như: Tp. Hồ Chí Minh, Gia lai chuyển vào địa bàn tỉnh Đắk Lắk rồi chia nhỏ để tiêu thụ. Cơ quan chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ được một số vụ tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn, chủng loại ma túy ngày càng đa dạng, như, vụ Mai Thị Khuy, SN 1965, trú tại huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk bị Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang đang tàng trữ trái phép 354,9980 gam hêrôin, xảy ra ngày 20/5/2014 và vụ Trần Đình Đức, sinh ngày 04/02/1996, bị Công an huyện Cư Kuin bắt giữ ngày 23/7/2013 về tội Mua bán trái phép chất ma túy tang vật thu giữ là 0,1270 gam ma túy đá v.v…Ngoài ra, tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy (cây cần sa) xuất hiện và lan rộng một số huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn, như tại Tp. Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea Kar, Ea H’leo…đã phát hiện việc trồng cây cần sa có diện tích lớn lên đến 7.542m2 ở huyện Ea Hleo.

Thành phần, độ tuổi phạm tội về ma túy đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là các đối tượng đã có tiền án, tiền sự về ma túy, người nghiện ma túy, người không có việc làm và thu nhập ổn định…, đáng chú ý là, tỷ lệ các đối tượng phạm tội về ma tuý là người dân tộc, phụ nữ và người người chưa thành niên trong tổng số các đối tượng phạm tội về ma tuý bị các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước. Theo số liệu thống kê của VKSND tỉnh Đắk Lắk thì từ năm 2012 đến 6/2015, thì số vụ, việc vi phạm về ma túy được các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ là 531 vụ, 704 đối tượng (giai đoạn năm 2008-2012 là 303 vụ, 481 đối tượng), trong đó số đối tượng là người dân tộc, phụ nữ và người người chưa thành niên là 212 vụ, 212 đối tượng, chiếm tỷ lệ 39,9% về số vụ, 30,1% về số đối tượng (giai đoạn năm 2008-2012 là 126 vụ, 126 đối tượng). Cơ quan điều tra đã khởi tố 456 vụ, 549 bị can; Viện kiểm sát truy tố 448 vụ, 541 bị can; Tòa án đã xét xử 448 vụ, 541 bị cáo (trong đó 94 bị cáo là người dân tộc thiểu số; 73 bị cáo là nữ giới và 12 bị cáo là người chưa thành niên).

Từ thực trạng tình hình vi phạm và tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, có thể rút ra các nguyên nhân chính dẫn đến tội pham về ma túy như sau:

Trước hết, do nhận thức, ý thức chấp pháp luật của các đối tượng người dân tộc, phụ nữ và người chưa thành niên còn hạn chế vì lợi nhuận, nhu cầu vật chất hoặc do hoàn cảnh khách quan đưa đến như bị bạn bè rủ rê, lôi kéo họ đến với con đường phạm tội.

Thứ hai, do tác động khách quan của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh chóng, cuộc sống khó khăn đã làm cho các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng các đối tượng tượng là dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên là nhóm có nguy cơ cao dễ bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội hoặc trở thành đối tượng nghiện lệ thuộc vào ma túy.

Thứ ba, một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, dẫn đền công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở về việc thực hiện chương trình chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên và còn mang tính hình thức; Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức về nhiệm vụ, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa thấy hết được tác hại của ma túy. Công tác tuyên truyền giáo giục đã được coi trọng nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên liên tục, phần nào làm hạn chế đến kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nói chung và tội phạm mua bán trái phép chất ma túy nói riêng.

Thứ tư, diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng; công tác quản lý giáo dục đối tượng nghiện tại cộng đồng, quản lý đối tượng sau khi cai nghiện chưa được quan tâm thường xuyên, việc tạo công ăn việc làm đối với những người sau cai nghiện để họ tái hòa nhập với cộng đồng còn rất hạn chế… dẫn đến tỷ lệ tái nghiện hoặc tiếp tục phạm tội về ma tuý vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh cần thưc hiện các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, để công tác đấu tranh phòng, chống ma túy đạt hiệu quả cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh, đề nghị các cấp ủy Đảng trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm về ma tuý.

Thứ hai, VKSND hai cấp cần tiếp tục làm tốt vai trò trủ trì trong công tác phối hợp liên ngành trong công tác quản lý và xử lý các tin báo về tội phạm cũng như giải quyết các vụ án hình sự nói chung, nhằm kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, các tin báo tội phạm về ma túy và kịp thời xử lý nghiêm minh trước pháp luật những đối tượng phạm tội về ma túy nói riêng và tội phạm nói chung, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, đồng thời phổ biến, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm cho nhân dân.

Thứ ba, đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma tuý nói riêng trong các cơ quan, tổ chức đoàn thể và đặc biệt là trong các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại đối tượng và địa bàn. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần có sự phối hợp, thống nhất với các đoàn thể, tổ chức xã hội để giúp người nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, tạo việc làm, giúp họ có sự hòa nhập cộng đồng khi trở về từ các trung tâm cai nghiện, để hạn chế tình trang tái nghiện và tiếp tục phạm tội về ma tuý.

Thứ năm, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành đầy đủ và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý tội phạm hình sự còn có kẽ hở, chưa chặt chẽ hoặc các hành vi vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý để sửa đổi, bổ sung kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan tư pháp, như việc sửa đổi một số bất cập tại Thông tư liên tịch số 17 ngày 24/ 12/ 2007 của VKSND tối cao – Bộ Công an – TAND tối cao – Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII của Bộ luật hình sự năm 1999 cho phù hợp với BLHS và tình hình thực tế hiện nay; Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của TAND tối cao về việc xử lý các vụ án ma túy v.v… ./.

Nguồn Vksdaklak.gov.vn