“Tín dụng đen” bóc lột nông dân nghèo: Nhiều cán bộ, đảng viên cũng khốn đốn

Không chỉ người dân nghèo thiếu hiểu biết mà ngay cả cán bộ, đảng viên vẫn dính bẫy “tín dụng đen”. Nhiều người không chịu nổi áp lực nợ nần đã phải trốn đi biệt tích. Không chỉ với những tổ chức “tín dụng đen” mà ngay cả khi vay ngân hàng, nhiều hộ dân cũng đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà.

Bỏ trốn vì không có khả năng trả nợ

Đầu năm nay, nhiều người dân tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) đã phải bỏ trốn vì không có khả năng trả nợ. Ông Nguyễn Đình Lân (thôn 5) cho biết: “Nhiều ngày liền không thấy vợ về nhà, liên lạc cũng không được, tôi cứ tưởng vợ đã về quê nhưng hỏi cũng không ai biết. Đang định đi báo công an thì bà ấy gọi về cho biết đang đi trốn nợ”.

Theo ông Lân, đến khi đó ông mới biết vợ mình dính khoản nợ lên đến 450 triệu đồng, mỗi ngày phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 20 triệu đồng. Trước áp lực trả nợ, vợ ông phải bỏ nhà đi nhiều tháng…

Không chỉ người dân nghèo thiếu hiểu biết mà ngay cả cán bộ, đảng viên vẫn dính bẫy “tín dụng đen”. Nhiều người không chịu nổi áp lực nợ nần đã phải trốn đi biệt tích. Không chỉ với những tổ chức “tín dụng đen” mà ngay cả khi vay ngân hàng, nhiều hộ dân cũng đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà.

Ông Nguyễn Đình Lân nói vợ mình vì nợ nần mà đã bỏ nhà đi. ảnh: Duy Hậu

Không chỉ vợ ông Lân, mà ở Ea Sô, có rất nhiều phụ nữ khác cũng bị dính vào món nợ với khoản lãi cắt cổ. Báo cáo của UBDN xã Ea Sô thời điểm đầu năm 2017 (Tết Nguyên đán), có 5 người vì trốn nợ mà không dám về nhà ăn Tết. Ngay cả vợ một lãnh đạo xã cũng vướng vào khoản vay cắt cổ này. Không chỉ người dân, mà một đảng viên cũng phải đưa gia đình trốn khỏi địa phương vì vướng “tín dụng đen”. “Họ đều vay tiền của một người phụ nữ tên Nhuận ở xã Ea Đar (cùng huyện) với lãi suất 0,5%/ngày (mỗi triệu đóng 5.000 đồng/ngày). Nhiều gia đình không có tiền trả đã bị chủ nợ đến xiết đồ đạc nhà cửa khiến gia đình lục đục, li dị…”- ông Lân nói.

“Từ 50 triệu đồng vào năm 2015, đến đầu năm 2017 tôi đã nợ cả lãi lẫn gốc gần đến 370 triệu đồng. Nhiều khi không có tiền trả lãi, tôi đành phải vay tiền tiếp của chính chủ nợ để trả nợ. Ngoài ra, để có tiền trả nợ, tôi phải tham gia 3 chân hụi, mỗi tháng đóng 6 triệu đồng. Đến ngày hốt hụi, chủ nợ đến lấy hết, tôi chẳng lấy được đồng nào. Không thể chịu được áp lực nợ nần nên tôi buộc phải bỏ nhà đi”- vợ một cán bộ xã Ea Sô nói.

Do không đủ cơ sở để kiện chủ nợ, sau khi xảy ra sự việc trên, UBND xã Ea Sô đã cho cán bộ vận động hòa giải. Một số trường hợp sau khi được hòa giải đã phải mượn tài sản của người thân thế chấp ngân hàng để trả nợ.

Khổ vì “cò”

Không chỉ vay ngoài luồng mà việc vay tiền ở một số ngân hàng cũng bị những “bàn tay đen” thò vào. Tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp (Đăk Nông), nhiều người có nguy cơ mất đất, mất nhà khi vay vốn.

Đầu năm nay, được người giới thiệu, anh Y Đoan ở bon Ol B’Tung (xã Quảng Tín) đưa sổ đỏ của 9.000m2 đất đi công chứng rồi lên TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) vay 90 triệu đồng. Chỉ 1 ngày sau Y Đoan vay được tiền nhưng phải trả 11% tiền “cò” và 12% tiền lãi một năm của món vay. Số tiền còn lại chưa được 70 triệu đồng, mang về mua sắm lặt vặt và trả nợ là hết sạch. Ngày trả nợ ngân hàng đang đến gần mà Y Đoan không biết lấy đâu ra tiền để trả. Vậy là 9 sào đất đang đứng trước nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ.

Không chỉ Y Đoan mà tại xã Quảng Tín có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng vay tiền thông qua “cò” hoặc người giới thiệu. Hầu hết họ đều được đưa đến huyện Cư Jut (một huyện của tỉnh Đăk Nông, cách xã Quảng Tín hơn 100km) để công chứng sổ đỏ và được đưa lên Buôn Ma Thuột để vay vốn tại một ngân hàng thương mại. Ở ngân hàng đó, không chỉ thủ tục đơn giản mà số tiền vay cũng cao hơn rất nhiều lần so với việc vay một số ngân hàng ở địa phương.

Ông Vũ Trọng Tài – Chủ tịch UBND xã Quảng Tín xác nhận, hiện ở xã có 21 hộ vay với số tiền lên đến hơn 4 tỷ đồng. Hộ vay thấp nhất 90 triệu đồng và cao nhất là 700 triệu đồng. Ông Tài cho biết, qua tìm hiểu, người dân có phản ánh về việc chi hoa hồng cho người giới thiệu. Số tiền chi này người dân hoàn toàn tự nguyện. Cũng theo ông Tài, nguyên nhân khiến người dân không chọn các ngân hàng ở địa phương và thông qua xã để vay vốn có thể là do thủ tục mất nhiều thời gian, được vay không nhiều.

Ông Tài cho biết, so với việc vay ở một số ngân hàng ở địa phương thì số tiền mà dân vay thông qua “cò” được nhiều hơn gấp 3-4 lần. Thời gian để vay được tiền cũng rất nhanh chóng. “Qua kiểm tra thì có một số gia đình sau khi vay vốn về đầu tư làm ăn hiệu quả, nhưng cũng có không ít gia đình đứng trước nguy cơ mất đất vì vay số tiền quá lớn không có khả năng trả nợ. Hiện để ngăn ngừa tình trạng này, chúng tôi chỉ có biện pháp duy nhất là vận động tuyên truyền cho người dân”- ông Tài nói.