Nỗi đau phía sau bản án cán bộ Agribank lừa dân

Bản án hình sự phúc thẩm số 325/2011/HSPT ngày 26/9/2011 của Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xử phạt bị cáo Võ Thị Hồng Điệp tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Lương Ngọc Hoàng 3 năm tù, cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án khép lại nhưng để lại nhiều nỗi đau trong các gia đình bị hại, trong đó phải kể đến bà Hoàng Thị Khánh.

tan20lap
Trụ sở Chi nhánh Agribank Tân Lập, nơi xảy ra vụ việc.

Lừa có tổ chức?

Theo đơn trình bày của bà Hoàng Thị Khánh, sinh năm 1970, thường trú tại 106/13, đường Nguyễn Lương Bằng, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gửi báo Kinh tế nông thôn, gia đình bà rất khó khăn, chồng là bộ đội từng tham gia chiến đấu, nay mất sức lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, đau ốm triền miên. Cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, lại đông con.

Trước hoàn cảnh đó, vợ chồng bà sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 398368 và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể thế chấp xin vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Tân Lập (trụ sở tại phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột; chi nhánh thuộc Hội sở Buôn Hồ-PV) với số tiền 300 triệu đồng để kinh doanh.

Lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo bà Võ Thị Hồng Điệp là cán bộ tín dụng tiếp nhận quản lý làm mọi thủ tục hồ sơ vay vốn cho bà Khánh. Sau khi hoàn tất hồ sơ, bà Điệp yêu cầu bà Khánh ký vào chứng từ giao dịch nhận tiền. Sau đó, bà Điệp nói: Hôm nay cuối tháng không còn đủ tiền để chi (hiện quỹ tín dụng đang bị thiếu hụt), chỉ để lưu số tiền để kiểm quỹ, 4 ngày sau (đầu tháng) lên nhận tiền. Hôm đó là ngày 29/01/2010, bà Khánh năn nỉ bà Điệp cho nhận trước 40 triệu đồng về để mua thuốc cho chồng và thanh toán nợ nần, bà Điệp đồng ý.

Sáng thứ 2, bà Khánh lên để nhận số tiền còn lại nhưng không gặp bà Điệp. Bà vào phòng làm việc gặp ông Hoàng Văn Nguyên, Giám đốc và ông Lương Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Tín dụng. Hai ông đều nói bà Điệp đi thu nợ ở huyện chưa về. Chiều bà Khánh lên vẫn không gặp bà Điệp. Sáng hôm sau, bà đem số tiền 40 triệu đồng mà hôm trước bà Điệp đưa để trả lại ngân hàng, nói không vay nữa và xin lấy lại bìa đỏ về. Do không được giải quyết, bà Khánh bực mình, to tiếng nhưng cả ông Nguyên và ông Hoàng đều nói: “Đừng làm ồn, chúng tôi cam đoan sẽ thu xếp giải quyết và giao đủ số tiền còn lại mà bà chưa nhận được”.

Sáng hôm sau, bà Khánh lại lên ngân hàng, ông Nguyên và ông Hoàng đã gọi vào phòng làm việc đưa thêm 30 triệu đồng, rồi nói để từ từ giải quyết.

Đến chiều, bà Điệp đưa xuống nhà bà Khánh 1 chiếc xe máy và nói là trị giá 40 triệu đồng nhưng gia đình không nhận vì không có nhu cầu sử dụng.

“Lãnh đạo ngân hàng hứa sẽ đưa nốt cho tôi số tiền còn lại nhưng chờ mãi vẫn không giải quyết cho tới hôm bà Điệp bị công an bắt giữ, tôi mới biết là cán bộ ngân hàng cố ý lừa đảo có tổ chức để chiếm đoạt tài sản của gia đình tôi”, bà Khánh bức xúc kể.

Trách nhiệm?

Để rộng đường dư luận, chúng tôi có buổi làm việc với Chi nhánh Agribank Tân Lập. Bà Phạm Thị Hoa, Phó giám đốc (cũng là Phó giám đốc thời kỳ xảy ra vụ việc-PV) cho biết, bản án đã chỉ ra bị cáo Điệp phải trả cho bà Khánh 200 triệu đồng. Cũng theo bà Hoa, quy trình của ngân hàng rất chặt chẽ từ khi làm thủ tục đến khi khách hàng nhận được tiền,… Mọi hồ sơ cho vay, tài sản thế chấp được lưu vào kho, phải có chữ ký của giám đốc mới lấy được.

Để sự việc này xảy ra, trách nhiệm thuộc về tập thể Agribank Tân Lập nói chung, ban giám đốc nói riêng vì đã để cho nhân viên của mình thực hiện hành vi lừa đảo bài bản ngay tại trụ sở, không chỉ một lần mà hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không sự đồng lõa, tiếp tay của Giám đốc Nguyên và Trưởng phòng Tín dụng Hoàng. Bởi lẽ khi sự việc diễn ra, ông Nguyên và ông Hoàng đã gọi bà Khánh vào phòng làm việc đưa thêm cho 30 triệu đồng, rồi nói sẽ từ từ giải quyết. Sau đó, lãnh đạo ngân hàng hứa sẽ đưa nốt cho bà Khánh số tiền còn lại nhưng chờ mãi vẫn không giải quyết cho tới hôm bà Điệp bị công an bắt giữ.

Những sự việc đáng tiếc như vậy sẽ không xảy ra nếu bộ máy lãnh đạo thực sự có trách nhiệm. Agribank Tân Lập không thể đổ hết trách nhiệm cho khách hàng trong khi mình là nguồn gốc của sự vụ.

Bản án tuyên ông Hoàng bị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, còn ông Nguyên không bị hình thức kỷ luật gì, khiến các gia đình bị hại cũng như dư luận không khỏi bức xúc.

Nguồn Kinhtenongthon.com.vn