“Người hùng Tây Nguyên” và những lần đối mặt tội phạm nguy hiểm

Mấy chục năm gắn bó với nghề, Đại tá Văn Ngọc Thi – Trưởng phòng PC52 Công an tỉnh Đắk Lắk đã có rất nhiều kỷ niệm cùng đồng đội đương đầu với những tên tội phạm nguy hiểm. Là chỉ huy, song Đại tá Thi rất gần gũi với anh em trong đơn vị, họ yêu mến gọi anh bằng cái tên thân mật – Sáu Thi. Còn với người dân vùng đất đỏ ba-zan, họ vẫn ví anh là “người hùng Tây Nguyên”.

Bắt tướng cướp trên đèo Cưty

Được mệnh danh “khắc tinh của tội phạm”, từng tham gia những chuyên án “để đời”, chính bản thân anh cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đối mặt với những tên giang hồ cộm cán. Sáu Thi bảo rằng, anh quê Bình Định nhưng từ ngày vào ngành công an, tăng cường lên Tây Nguyên nhận nhiệm vụ, anh đã coi vùng đất đỏ ba-zan như quê hương thứ hai của mình. Gần 30 năm làm lính hình sự, Sáu Thi đã lăn lộn cùng anh em trong đơn vị phá rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, góp phần giữ gìn sự bình yên cho người dân xứ hoa Pơ-Lang.

Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, vị Trưởng phòng PC52 tỏ ra khá khiêm tốn khi nói về bản thân, thế nhưng khi nghe chúng tôi nhắc về những chuyên án “để đời” với đối tượng đặc biệt nguy hiểm là Phạm Văn Thêu (SN 1960, quê Thanh Hóa, sau đó vào trú tại huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk), mà Sáu Thi phải nhập nhiều “vai” để lần tìm dấu vết và hạ gục hắn sau màn “đấu súng” đầy nguy hiểm, thì Sáu Thi rất sôi nổi.

Còn nhớ, vào những năm 90 của thế kỷ trước, trên mảnh đất Tây Nguyên từng xuất hiện những băng cướp rất ngang tàng, liều lĩnh khiến lực lượng “đánh án” nhiều lần phải “cân não” để triệt phá. Có thể nói, Phạm Văn Thêu cũng được “liệt” vào diện tướng cướp “máu mặt” trong giới giang hồ vùng đất đỏ lúc bấy giờ.

Năm 1993, Thêu cùng đàn em vác súng ra chặn xe khách lưu hành trên đường từ TP.Buôn Ma Thuột đi huyện Ea H’Leo để cướp tài sản. Sau khi gây án, bọn chúng chia nhau “chiến lợi phẩm” rồi tìm nơi lẩn trốn. Phải mất rất nhiều ngày truy lùng ráo riết, lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk lần lượt bắt giữ được các đối tượng, thu giữ 2 khẩu súng, 11 viên đạn và 1 quả lựu đạn. Sau lần đó, Thêu bị tuyên án 6 năm tù về tội Cướp tài sản. Mãn hạn tù, hắn dường như bị chìm đắm trong sự tung hô của đám đàn em rằng mình là “đại ca phố núi”. Khu vực Thêu cùng đồng bọn thường chọn làm địa điểm gây án là khu vực đèo Cưty trên tuyến Quốc lộ 14 (thuộc huyện Krông Buk, Đắk Lắk). Bất kể là ngày hay đêm, hễ cứ thấy “mồi ngon” là băng cướp của Thêu liền ra tay.

Đặc biệt, trong hai ngày 9/9 và 15/9/2005, nhóm cướp do Thêu cầm đầu đã gây ra hai vụ bắn người, cướp tài sản trên xe khách tại khu vực giáp ranh giữa hai huyện Krông Buk và Ea H’leo, thuộc tỉnh Đắk Lắk. Thêu sử dụng khẩu K59 bắn khiến người này bị trọng thương. Với quyết tâm triệt phá băng cướp nguy hiểm do Thêu cầm đầu, Công an tỉnh Đắk Lắk đã lập chuyên án đấu tranh, giao cho phòng Cảnh sát Hình sự làm chủ công. Khi đó, Sáu Thi đang giữ cương vị Phó phòng Cảnh sát Hình sự. Tuy nhiên, trong khi đám đàn em của Thêu lần lượt bị sa lưới thì riêng tên tướng cướp này lại “biến mất” một cách bí ẩn. Thêu bị truy nã đặc biệt trên phạm vi toàn quốc.

Đại-tá-Văn-Ngọc-Thi-Trưởng-phòng-PC52g

Đại tá Văn Ngọc Thi (người đứng ở giữa) hội ý nhanh với các trinh sát trong một chuyên án – Ảnh: Báo Đắk LắkVào “hang” bắt “cọp”

Nhớ lại kỷ niệm “đánh án” , Đại tá Văn Ngọc Thi kể rằng: “Hồi đó, anh em chúng tôi phải “hóa thân” vào các vai như xe ôm, thợ xây, công nhân hái cà phê… để truy tìm dấu vết đối tượng. Nhiều khi nhận thông tin đối tượng đang ẩn náu tại một địa điểm, anh em lên kế hoạch tác chiến rất kỳ công nhưng vừa đến nơi, đối tượng đã rời đi chỗ khác. Tên Thêu có đặc điểm người cao to, rất giỏi võ và dùng súng điệu nghệ, hơn nữa, hắn rất tinh quái khi đối phó với lực lượng chức năng. Thế nhưng, những năm tháng chiến đấu trong nghề đã tôi luyện cho người lính hình sự bản lĩnh đương đầu với khó khăn, nguy hiểm”.

Rà soát các mối quan hệ của Thêu, trinh sát hình sự biết được, Thêu rất thương và thường xuyên liên lạc với một người chị gái ở TP. Buôn Ma Thuột. Người này hành nghề bói toán, không chồng và có một đứa con. Sáu Thi quyết định đóng giả một người đi buôn gỗ, làm ăn thất bát, tìm đến chị gái Thêu để xem một quẻ bói. Qua tiếp cận, Sáu Thi nắm bắt được thông tin đối tượng Thêu đang trên đường về TP.Buôn Ma Thuột.

Kế hoạch bắt giữ Thêu được Sáu Thi vạch ra trong đầu. Anh cử một trinh sát giỏi đóng giả làm xe ôm, chở Sáu Thi đến khu tập thể thuộc khu vực phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột), nơi anh phán đoán rất có thể Thêu sẽ ẩn náu ở đấy. Đúng như phán đoán, khi Sáu Thi đóng giả người buôn gỗ, tiến vào khu nhà trọ thì phát hiện bóng một người đàn ông lao rất nhanh qua cửa sổ, nép bên trong bức tường của một căn phòng. Linh cảm đó chính là tướng cướp Phạm Văn Thêu, Sáu Thi lập tức lao nhanh từ phía sân, nép sát chỉ cách Thêu một bức tường, người đứng phía bên ngoài, kẻ ở bên trong căn phòng. Chờ cho đến khi Thêu lần ra cửa chính, bằng một động tác võ thuật rất chuẩn xác, Sáu Thi đã quật ngã tên tướng cướp nguy hiểm, đè hắn xuống đất, Thêu định giơ khẩu K59 bắn Sáu Thi nhưng trinh sát lúc trước đóng giả xe ôm đã kịp thời lao đến hỗ trợ thủ trưởng Thi khống chế đối tượng. Khám người hắn, cảnh sát còn thu được nguyên cả một băng đạn.

Chia sẻ về những kỷ niệm “đánh án”, Sáu Thi bảo rằng: “Lính hình sự vất vả là thế nhưng khi bắt được kẻ gây án thì cảm xúc vui mừng khó tả lắm. Được góp sức để giữ bình yên cho nhân dân là niềm vinh dự của những người lính chúng tôi”.

Nguồn Doisongphapluat.com