Làm giàu từ mô hình trồng mít Thái siêu sớm

Những năm gần đây, ở xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) phát triển mạnh mô hình trồng cây ăn trái có giá trị cao. Vườn mít siêu sớm của gia đình chị Nguyễn Thị Y (thôn 8) là một trong những mô hình cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn.

Trước đây, với diện tích 1 ha đất vườn, gia đình chị Y trồng một số loại trái cây như: cam, bưởi, xoài, táo… nhưng thu nhập không được bao nhiêu do giá cả bấp bênh và chi phí đầu vào cao. Năm 2010, trong dịp về thăm quê tại Bến Tre, nghe giới thiệu về giống mít Thái siêu sớm với nhiều ưu điểm như trái to, dày cơm, ăn ngọt, thơm giòn… có giá trị kinh tế vượt trội so với một số loại mít thông thường nên chị Y quyết định mua giống về trồng.

Ban đầu, chị chỉ trồng thử 40 cây mít xen canh với xoài Thái. Không đầy 2 năm sau mít đã bắt đầu cho trái. Thấy hiệu quả, chị Y tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô lên 300 cây mít trồng trên diện tích 1 ha. Năm đầu vườn mít cho trái đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập trên 30 triệu đồng. Hiện tại, vườn mít của gia đình chị Y đã cho thu nhập ổn định quanh năm. Bên cạnh đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình chị còn tích cực tỉa cành, bấm trái, mỗi cây mít chỉ để từ 4-6 trái nhằm nuôi trái to, chất lượng cao. Nhờ đó, sản phẩm mít Thái siêu sớm của gia đình chị được nhiều thương lái biết tới và thu mua ngay tại vườn mỗi tuần. Với giá cả ổn định từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, nguồn thu nhập từ tiền bán mít trái của gia đình chị hiện trên 250 triệu đồng/năm.

dak-lak-kinh-te-lam-giau-tu-mo-hinh-trong-mit-thai-sieu-som

Chị Nguyễn Thị Y (thôn 8, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) đang chăm sóc vườn mít.

Chị Y chia sẻ, với đặc tính cho trái rất sớm, mít Thái siêu sớm sau 2 năm trồng đã cho trái và đậu trái quanh năm. Thời gian trồng tính từ khi bắt đầu đặt bầu cây giống đến 10 tháng sau cây đã có khả năng ra hoa đậu trái, như vậy chỉ 12 – 15 tháng sau khi trồng sẽ có thu hoạch. Tuy nhiên, tuổi thọ của mít rất ngắn (không quá 10 năm tuổi) nên muốn cây phát triển tốt phải tỉa bớt trái non và không để rong xanh bám vào cây, phải thường xuyên kiểm tra cắt tỉa cành hư và chà rửa những vết rong bám vào thân cây. Trung bình 30 ngày phun thuốc một lần nhằm phòng trừ sâu đục cuống và tăng cường thuốc dưỡng để trái non phát triển tốt.

Không chỉ trồng mít cho năng suất cao, chị Y còn thành công với việc ghép cây giống để tạo ra thương hiệu riêng cho cây mít của mình. Hằng năm, chị sản xuất trên 5.000 cây mít giống cung cấp cho thị trường. Thu nhập từ việc bán cây giống cũng mang lại cho gia đình chị trên 50 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Y còn tận dụng lá mít, cành mít non để làm thức ăn cho dê. Nhờ đó, hằng năm gia đình chị tiết kiệm được rất nhiều công chăm sóc cũng như chi phí thức ăn cho đàn dê 45 – 50 con. Trung bình hằng năm việc bán dê con đã mang lại thêm thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm.