Cà phê Đắk Lắk – Xem giá cafe và tin tức Đắk Lắk mới nhất

Gian nan công tác cứu hộ, chăm sóc voi con 2 tháng tuổi

Hơn 1 tuần sau khi chú voi rừng con khoảng 2 tháng tuổi bị rơi xuống giếng được cứu sống, việc tìm phương án cứu hộ nó đang đặt ra nhiều thách thức với Trung tâm Bảo tồn voi và các chuyên gia quốc tế, bởi nỗ lực đưa voi con về với đàn những ngày qua bất thành, và nếu giữ lại để nuôi thì khả năng sống không cao vì voi còn quá nhỏ.

Trước đó, vào sáng 28-3, nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện một con voi con khoảng 2 tháng tuổi bị rơi xuống giếng tại tiểu khu 294, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư M’lanh, Trung tâm Bảo tồn voi đã nhanh chóng có mặt và phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện Ea Súp tiến hành cứu hộ cho voi, đến trưa cùng ngày, voi con được cứu hộ thành công trong tình sức khỏe tốt, các nhân viên cứu hộ đã cho voi uống nước, sữa để bảo đảm sức khỏe. Sau đó, lãnh đạo Trung tâm đã họp bàn thống nhất phương án thả voi con vào rừng để nó tìm lại với đàn. Tuy nhiên, sau một đêm để voi lại trong rừng, đàn voi không quay lại đón nó như tính toán ban đầu, Trung tâm quyết định đưa voi về trụ sở của mình tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cách đó khoảng 35 km để chăm sóc. Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị chăm sóc một chú voi nhỏ tuổi nên gặp không ít khó khăn. Trung tâm phải tham vấn ý kiến của các chuyên gia về voi hàng đầu trên thế giới để xây dựng một quy trình chăm sóc nghiêm ngặt cho voi. Hằng ngày các chỉ số liên quan đến tình trạng sức khỏe của voi đều được cập nhật qua Email cho các chuyên gia, qua đó họ sẽ giúp đánh giá tình hình của voi để điều chỉnh cách chăm sóc cho phù hợp.

Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi đang cho voi con uống sữa.

Hơn 1 tuần nay, công việc của các nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi trở nên tất bật hơn khi có thành viên mới; nhiều người ở đây cho hay, việc chăm sóc voi con vất vả chẳng kém gì nuôi con mọn. Voi còn quá nhỏ chưa biết tự ăn uống nên phải đút cho nó từng ngụm nước, chai sữa, hằng ngày có 4 nhân viên được phân công chăm sóc voi, cứ 2 tiếng, voi được cho uống sữa một lần, mỗi lần khoảng 1,5 lít sữa. Vào buổi tối, phải có hai người thức theo dõi và cho voi ăn. Ngoài ra, họ còn phải ngồi vuốt ve, âu yếm cho voi nó mới chịu đi ngủ. “Ở trong tự nhiên, voi con khi ngủ sẽ có mẹ nằm bên cạnh, do đó chúng tôi cũng cố gắng tạo sự gần gũi, thân thiện với nó, và bây giờ voi đã coi những người chăm sóc giống như mẹ của nó”, ông Luân giải thích.

Bên cạnh việc chăm sóc voi con, Trung tâm còn cắt cử người theo dõi việc di chuyển của đàn voi rừng, tính toán phương án để khi có điều kiện thuận lợi sẽ đưa voi về với đàn. Để việc thả voi về rừng diễn ra được an toàn cho cả người lẫn voi, các chuyên gia đã chọn một vị trí trên tuyến đường thường xuyên di chuyển của đàn voi gần khu vực voi con bị rơi để dựng một chuồng tạm bợ đưa voi con vào nhốt ở đó với hy vọng đàn voi sẽ quay lại đưa voi con đi. Vào ngày 1-4, voi con được di chuyển từ khu chăm sóc của Trung tâm vào rừng để chờ cơ hội thả voi về với đàn. Trong vòng 4 ngày, đàn voi đã trở lại đây 2 lần, các chuyên gia đã mạo hiểm chờ đàn voi rừng tiến đến gần voi con, và khi khoảng cách giữa chúng với voi con chỉ còn vài chục mét thì sẽ thả voi con ra để cho chúng hội ngộ với nhau, tuy nhiên, cả hai lần đều thất bại, đàn voi không tiếp nhận voi con vào đàn. Để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho voi con, ngày 4-4, Trung tâm đã đưa voi trở về lại đơn vị để chăm sóc.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, các chuyên gia nước ngoài về voi nhận định, phương án tối ưu nhất để cứu voi con là đưa nó trở lại với voi mẹ, nhưng đến nay, việc đưa voi con về với mẹ không thành nên công tác nuôi dưỡng chăm sóc nó của đơn vị gặp rất nhiều thách thức, bởi voi còn quá nhỏ, các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu giữ voi con lại để người chăm sóc thì khả năng sống của voi sẽ rất thấp. “Hiện chúng tôi đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để chăm sóc, nuôi dưỡng voi con, còn về lâu dài, đơn vị đang tích cực làm việc với các chuyên gia quốc tế về voi để tìm phương án nên tiếp tục đưa voi vào rừng để nhập đàn hay giữ lại chăm sóc ở Trung tâm”, ông Luân cho biết thêm.

Exit mobile version