Du lịch Đắk Lắk: Lời giải nào cho bài toán lưu trú?

Khách đến Đắk Lắk nhiều nhưng lưu trú ít, thực tế này đã tồn tại nhiều năm nay và vẫn chưa có lời giải cho ngành du lịch địa phương.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù kinh tế trong nước chưa hết khó khăn, người dân cắt giảm nhiều khoản chi tiêu cho du lịch, thế nhưng Đắk Lắk vẫn duy trì được lượng khách đến ổn  định và đạt được những kết quả khả quan.

images1098075_IMG_0548
Khách nước ngoài tham gia du lịch home stay ở huyện Lắk.

Theo ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thì thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực du lịch tỉnh đã có những bước tiến đáng kể trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi, giải trí; định hình nhiều sản phẩm du lịch mới: du lịch khám phá, tìm hiểu quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê… Nhờ vậy, đã thu hút lượng khách đáng kể đến với tỉnh, nhất là từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đón trên 350.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 278 tỷ đồng. Trên thực tế, có những thời điểm lượng khách đến Đắk Lắk tăng đột biến, như khu du lịch Ko Tam, từ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay đã đón trên 120.000 lượt khách, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng thời điểm năm ngoái, chủ yếu là khách nội địa. 6 tháng đầu năm, Trung tâm du lịch Buôn Đôn cũng đón gần 94.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi, doanh thu đạt trên 10,4 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT-DL) thì năm 2015, hoạt động du lịch ở địa phương có nhiều điều kiện để tăng trưởng và thu hút du khách, ngoài việc có các ngày nghỉ lễ kéo dài lại trùng với dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V-2015, giao thông đi lại đã thuận tiện hơn nhiều so với trước, kéo theo các sản phẩm, dịch vụ du lịch Đắk Lắk cũng mang đến sức hấp dẫn đối với du khách.

images1098076_IMG_1322
Khách tham gia cưỡi voi tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn.

Tuy nhiên, tình trạng khách đến nhiều nhưng lưu trú ít là nhược điểm đã tồn tại từ nhiều năm nay và vẫn là bài toán khó chưa có lời giải cho ngành du lịch tỉnh nhà. Cũng theo Sở VH-TT-DL thì số ngày lưu trú bình quân của du khách tại Đắk Lắk không cao, chỉ dừng lại ở mức 1,4 ngày; 7 tháng đầu năm 2015, công suất sử dụng buồng phòng chỉ đạt 60%.

Nhiều DN hoạt động du lịch cho rằng, nguyên nhân được xác định là các dịch vụ vui chơi, giải trí ăn theo du lịch chưa nhiều, một số nhà nghỉ, khách sạn chưa được đầu tư bài bản… Hiện toàn tỉnh có 183 cơ sở lưu trú với 3.645 phòng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2010, tuy nhiên hoạt động của một số cơ sở lưu trú vẫn còn nhiều bất cập, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu theo hình thức chủ đầu tư vừa là quản lý, vừa điều hành, chưa qua lớp bồi dưỡng quản lý cơ sở lưu trú du lịch và hầu hết những cơ sở này đều được thiết kế, bài trí không bảo đảm theo quy định. Bên cạnh đó, dịch vụ trong các cơ sở lưu trú còn quá nghèo nàn, chủ yếu vẫn là phòng nghỉ thiếu tiện nghi. Đặc biệt, tình trạng móc túi tại một số điểm tham quan đã khiến cho du khách cảm thấy lo lắng và có cái nhìn thiếu thiện cảm về hình ảnh du lịch địa phương. Cách đây không lâu, một  nữ du khách đến từ Nghệ An đã chọn ở lại Buôn Ma Thuột vài ngày, đêm đầu tiên chị tản bộ ngắm cảnh phố xá và mua sắm tại chợ đêm Buôn Ma Thuột. Khi trả tiền hàng chị tá hỏa phát hiện ra chiếc giỏ xách của mình đã bị rạch một đường rất ngọt, toàn bộ giấy tờ, tiền bạc trong ví đã bị kẻ gian lấy mất!

Đắk Lắk có nhiều cảnh quan đẹp, di tích lịch sử, danh thắng được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia, có bảo tàng hiện đại và lớn nhất khu vực Tây Nguyên…, rõ ràng sức hút của những điểm đến này là điều không ai phủ nhận, thế nhưng có một nghịch lý là không ít du khách chỉ đến đây buổi sáng, tham quan cầu treo Buôn Đôn, Bảo tàng tỉnh hoặc Hồ Lắk rồi về thẳng Đà Lạt, Nha Trang lưu trú, vui chơi… Vì Đắk Lắk không có dịch vụ vui chơi, giải trí phong phú, đa dạng về đêm…

Rõ ràng, khách không lưu trú thì địa phương mất doanh thu về nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ ăn uống, vui chơi, và suất chi tiêu của khách theo đó cũng rất thấp. Bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, ngành du lịch tỉnh nên có động thái tích cực thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của địa phương; đồng thời, cùng với việc nâng cao chất lượng thì cũng nên tạo ra nhiều dịch vụ giá mềm để thích hợp với nhiều đối tượng du khách, có như vậy mới kích thích du khách ở lại lâu hơn và xài nhiều tiền hơn. Đừng để Đắk Lắk đơn thuần chỉ là trạm dừng chân nghỉ tạm trên đường trong chuyến đi dài ngày của du khách.

Nguồn Baodaklak.vn