Dự án đầu tư đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ: Lãng phí lớn

Hơn 570 tỷ đồng đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk rất có thể sẽ chìm trong sự lãng phí lớn.

Chồng lấn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn tất kết luận thanh tra công tác quản lý và thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk (tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ).

Đây là một trong những dự án thành phần thuộc đoạn tuyến Ngọc Hồi – Buôn Ma Thuột – Đồng Xoài – Chơn Thành đã được Quốc hội thông qua Danh mục Các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Dự án tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ vẫn còn 7,9 km chưa giải phóng mặt bằng do vướng mắc liên quan đến việc xử lý trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 14

Dự án có tổng mức đầu tư 574,9 tỷ đồng này được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) phê duyệt dự án đầu tư và quyết định đầu tư (năm 2016), sau đó giao cho Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Tuyến có tổng chiều dài 26 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV, vận tốc thiết kế 60 – 80 km/h.

Theo ghi nhận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án được chủ công trình xác định là phải hoàn thành trong năm 2017 vì lý do cấp bách, cấp thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, tiến độ đã bị vỡ rất sâu so với kế hoạch đề ra khi đến cuối tháng 10/2017 – thời điểm bắt đầu thanh tra, Dự án mới đạt khoảng 6% giá trị xây lắp dù đã được các cơ quan chức năng bố trí đủ vốn đầu tư (574,9 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đến hết năm 2017, Dự án vẫn còn 7,9 km chưa giải phóng mặt bằng do những vướng mắc liên quan đến việc xử lý trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 14.

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk báo cáo “việc triển khai 2 tuyến đường tránh Pleiku và tuyến tránh thị xã Buôn Hồ là cấp bách” để được nhận vốn trái phiếu chính phủ là thiếu cơ sở. Ngoài tiến độ thi công rề rà, công tác lập 2 dự án này được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho là chưa được nghiên cứu kỹ, số liệu thiếu cơ sở, có sự chênh lệch lớn về lưu lượng xe tại cùng một vị trí, cùng một thời điểm (dự kiến năm 2025) giữa tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (đang triển khai) và Dự án BOT nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Buôn Hồ đã được đầu tư, đưa vào khai thác từ tháng 10/2015.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Buôn Hồ dài 24,45 km được đầu tư theo hình thức BOT với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư 836 tỷ đồng có thời gian hoàn vốn 20 năm. Theo hợp đồng BOT ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Quang Đức, thời gian hoàn vốn cho Dự án này là 20 năm, doanh thu thu phí sẽ chỉ bị chiết giảm 50% vào năm 2030 khi tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh hoàn thành.

“Như vậy, việc đầu tư tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ bằng vốn trái phiếu chính phủ vừa gây lãng phí, vừa làm ảnh hưởng trực tiếp tới Dự án BOT mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Buôn Hồ vì các phương tiện giao thông sẽ đi đường miễn phí, mà không (hoặc rất ít) đi qua trạm thu phí”, Thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư xác định.

Lắm hệ lụy

Theo Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng khi phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ đã chưa cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là việc đánh giá đầy đủ tác động của Dự án.

Cụ thể, việc đầu tư Dự án tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ khi hoàn thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu phí hoàn vốn của Dự án BOT mở rộng nâng cấp Quốc lộ 14 qua thị xã Buôn Hồ, thậm chí khiến phương án hoàn vốn bị phá sản. Tuy nhiên, khi thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) không hiểu lý do gì đã không lấy ý kiến của các đơn vị liên quan đến Dự án BOT mở rộng nâng cấp Quốc lộ 14 qua thị xã Buôn Hồ như Ban PPP (Bộ GTVT) và Công ty cổ phần BOT Quang Đức, dẫn đến những sai sót trong chủ trương đầu tư.

Được biết, để Dự án BOT có thể hoàn vốn và tuyến tránh thị xã Buôn Hồ được thực hiện theo phê duyệt, thì một trong những phương án là di dời trạm thu phí xuống cuối tuyến (Km 1.757+800).

Phương án này sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy, trong đó, đáng kể nhất là việc lãng phí đầu tư do trạm thu phí BOT tại Km 1.747 + 040 vừa mới hoàn thành được 2 năm, vốn đầu tư xây dựng 1 trạm thu phí mới cần tối thiểu 43 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc việc di dời trạm thu phí sẽ gây phản ứng từ phía người tham gia giao thông khi phương tiện đi qua tuyến tránh, chỉ đi qua một đoạn ngắn của Dự án BOT những vẫn phải nộp phí cả tuyến.

Theo ghi nhận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù luôn được chủ đầu tư khẳng định là “cấp bách, cấp thiết”, nhưng quá trình lựa chọn nhà đầu tư Dự án lại diễn ra rất đủng đỉnh. Theo đó, công trình được Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư vào ngày 28/4/2016, nhưng đến ngày 29/9/2016 hồ sơ yêu cầu mới được phê duyệt và đến tận ngày 6/12/2016 mới thực hiện việc ký kết hợp đồng thi công.

Điêu đáng quan ngại là, Tổ chuyên gia đánh giá Liên danh nhà thầu là các công ty Hoàng Nam, An Nguyên, TM Sài Gòn – Đắk Lắk khi chưa làm rõ giá trị hợp đồng tương tự so với hồ sơ yêu cầu.

Sự dễ dãi khó hiểu đối với các nhà thầu còn được thể hiện ở việc, Sở GTVT Đắk Lắk “phóng tay” tạm ứng vốn. Cụ thể, tính đến tháng 10/2017, dù giá trị khối lượng xây lắp thực hiện chỉ đạt 6% (tương đương 26 tỷ đồng) nhưng các nhà thầu đã được tạm ứng tới 73 tỷ đồng.

“Đây là những sai sót liên quan trực tiếp tới Ban Quản lý dự án (Sở GTVT Đắk Lắk) rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ”, một chuyên gia kiến nghị.

7 hạn chế tại Dự án tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ:

1. Phân kỳ đầu tư chưa phù hợp

2. Thực tế kiểm tra không cho thấy tính cấp bách

3. Chưa cân nhắc kỹ chủ trương đầu tư

4. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn nhiều sai sót

5. Công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng còn tồn tại

6. Tiến độ triển khai chậm

7. Sử dụng vốn chưa hiệu quả.