Đắk Lắk và Đắk Nông sẽ họp bàn phương án xử lý “cát tặc”

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô diễn ra hết sức tạp gây sạt lở đất và mất đấy của người dân dọc bờ sông này. Điều đáng nói, nhiều hộ dân không chịu được cảnh này đã đành phải bán đất cho “cát tặc”, trước những hiện trạng trên hai tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông sẽ họp bàn phương án để sớm chấm dứt vấn nạn này.

Đắk Nông sẽ kiên quyết xử lý nghiêm

Đoạn sông Krông Nô chảy qua địa bàn xã Buôn Chóah, Nâm N’Đir, Đắk Nang (huyện Krông Nô, Đắk Nông) hiện là địa bàn nhức nhối về nạn “cát tặc”. Người dân địa phương liên tục khiếu nại lên cơ quan chức năng về sự việc, song đến nay công tác xử lý vi phạm còn gặp nhiều bất cập khi dòng sông này thuộc địa giới hành chính của cả 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

dak-lak-va-dak-nong-se-hop-ban-phuong-an-xu-ly-cat-tac
“Cát tặc” lộng hành trên sông Krông Nô

Theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đắk Nông, hiện tại bên bờ sông Krông Nô thuộc địa giới hành chính tỉnh Đắk Nông có 9 tổ chức đã và đang hoạt động khai thác cát. Trong đó có 3 tổ chức khai thác có phép và 6 cá nhân, tổ chức khai thác trái phép.

Những cá nhân tổ chức khai thác trái phép bao gồm: DNTN Văn Hồng, DNTN Thành Đô, hộ kinh doanh cá thể gồm có ông: Ngô Văn Bằng, Trần Tiến Chương, Trần Văn Dân, Kiều Duy Lợi.

Và hiện có 7 đơn vị tại Đắk Lắk tiến hành khai thác trên khúc sông này, tuy chỉ được cấp phép khai thác cát thuộc địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk, nhưng từ năm 2009 đến nay, các đơn vị này đã mang cả tàu bè khai thác sang cả địa phận tỉnh Đắk Nông với chiều dài khoảng 20km. Hàng ngày các đơn vị này sử dụng từ 50 -70 tàu hút cát, mỗi tàu có trọng tải từ 20-30 m3 cát, khai thác ở cả 2 tỉnh và vận chuyển về tập kết tại thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Na (Đắk Lắk) để tiêu thụ.

Điều này đã khiến bờ sông Krông Nô (tại địa bàn xã Buôn Chóah) bị sạt lở nghiêm trọng, biến dạng nghiêm trọng hai bên bờ sông. Làm mất hơn 60ha đất sản xuất của 84 hộ dân dọc bờ sông.

Về công tác kiểm tra xử lý, từ năm 2010 đến tháng 7/2015, lực lượng công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai thác cát trái phép 16 vụ, 17 đối tượng, tịch thu 1 xà lan hút cát, tổng số tiền xử phạt 380 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng huyện Krông Nô cũng đã xử phạt 4 vụ, 4 đối tượng với số tiền phạt là 96 triệu đồng.

Trước thực trạng khai thác cát trái phép ồ ạt như hiện nay, Công an tỉnh Đắk Nông đã triển khai kế hoạch, tập trung đấu tranh, kiên quyết xử lý những đối tượng này.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Tàu bè khai thác sát bờ sông gây sạt lở

Ông Đàm Quang Trung – Phó Giám đốc Sở TNMT Đắk Nông cho biết: Vấn đề khai thác cát đang rất nhức nhối nhưng để xử lý được dứt điểm thì rất khó bởi liên quan đến cả 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Sắp tới Sở sẽ tổ chức cuộc họp giữa 2 tỉnh để bàn phương án giải quyết dứt điểm tình trạng này.

“Trước mắt sẽ phối hợp giữa các sở ban ngành cũng như địa phương tiến hành thanh kiểm tra, mai phục nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa phận Đắk Nông”, ông Trung cho biết thêm.

Đắk Lắk đánh dấu tàu, bè cát để phân biệt “cát tặc”

Theo báo cáo của Sở TNMT Đắk Lắk khu vực sông Krông Nô được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cho 5 đơn vị được khai thác cát tại sông Krông Nô: Công ty TNHH Phú Bình, HTX Phúc Lợi, HTX Đoàn kết, DNTN Trung Thiện, Công ty TNHH Xuân Bình. Trong đó, HTX Đoàn Kết và DNTN Trung Thiện đã đồng ý thỏa thuận cho 2 doanh nghiệp là HTX Quyết Thắng và DNTN Đức Tài khai thác chung, có văn bản thỏa thuận.

Về hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô từ năm 2010 đến nay, trên 4,25km sông được cấp giấy phép cho HTX Đoàn Kết có 2 doanh nghiệp khai thác cát trái phép là Công ty TNHH Gia Thịnh và Công ty TNHH Hoàng Gia, Sở đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra và xử phát 111,9 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

dak-lak-va-dak-nong-se-hop-ban-phuong-an-xu-ly-cat-tac1
Nạn “cát tặc” khiến hơn 60ha đất canh tác của nông dân bị mất.

Liên quan đến vấn nạn các đơn vị, tổ chức được khai thác cát ở địa giới Đắk Lắk nhưng lại khai thác bên khu vực do Đắk Nông quản lý, ông Nguyễn Văn Thiềm – Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản, Sở TNMT Đắk Lắk cho biết: Trước đây, Sở có văn bản thỏa thuận thống nhất từng đoạn sông tùy theo từng thị trường để mỗi tỉnh cấp giấy phép và quản lý thuận tiện hơn. Tuy nhiên, Sở TNMT Đắk Nông đã không đồng ý và đưa ra việc phân chia theo phần sông của địa giới hành chính của mỗi tỉnh.

“Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên khúc sông của tỉnh này có thể thọc vòi qua khúc sông bên kia để hút cát nên rất khó để phát hiện và xử lý. Nếu những doanh nghiệp này khai thác qua phần sông của Đắk Nông thì cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông phải xử lý, còn Đắk Lắk lại không có thẩm quyền”, ông Thiềm cho hay.

Ông Thiềm cũng cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ đạo người dân có đất canh tác dọc bờ sông chỉ được phép bán đất vào mục đích canh tác chứ không được phép bán đất cho doanh nghiệp với mục đích khai thác cát, nên tình trạng dân bán đất cho “cát tặc” ở Đắk Lắk không xảy ra như ở Đắk Nông.

Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo việc quản lý tàu, thuyền khai thác cát có phép bằng cách đánh dấu tàu, bè phải có chữ “Đắk Lắk + Tên công ty+ Số thứ tự tàu của đơn vị”.

“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phải hoàn thành trước việc sơn đánh dấu tàu thuyền của mình theo quy định trước ngày 5/9 và 100% đơn vị đã ký cam kết thực hiện. Sau đó, sẽ tổ chức kiểm tra xem các đơn vị, tổ chức thực hiện ra sao. Việc làm này giúp dễ dàng phân biệt, phát hiện được những tàu lạ, tức tàu phạm vi để kịp thời xử lý. Nếu những tàu mang ký hiệu của Đắk Lắk nếu qua lãnh thổ Đắk Nông khai thác thì cũng sẽ dễ dàng bị phát hiện.”, ông Thiềm nhấn mạnh.

Nguồn Dantri.com.vn