Cà phê Đắk Lắk – Xem giá cafe và tin tức Đắk Lắk mới nhất

Chưa thể kết luận rượu ngâm hà thủ ô gây tử vong ở Đắk Lắk

Theo thông tin Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Đắk Lắk), cho biết đơn vị vừa có báo cáo nhanh về vụ nghi ngộ độc rượu ngâm rễ cây khiến một người tử vong, một người nhập viện tại huyện Ea H’Leo. Trước đó, nhiều thông tin cho rằng, nạn nhân bị ngộ độc rượu ngâm rễ hà thủ ô.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe Đời sống, bà Lê Thị Châu, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Đắk Lắk) cho biết: Theo thông tin điều tra; Sáng ngày 23/5/2016, ông Nông Văn Thụ (sinh năm 1965) trú tại xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đến chơi nhà ông Nông Văn Vương (sinh năm 1969) ở tại thôn 10A, xã Cư A Mung, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Khoảng 6 giờ cùng ngày ông Thụ và ông Vương ngồi uống rượu ngâm với nhiều loại rễ cây rừng (rượu trắng gia đình tự nấu, sau đó đem ngâm với thảo dược tự kiếm) trong khi chưa ăn sáng. Đến khoảng 6 giờ 45 phút thì ông Thụ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, khó thở bắt đầu chuyển sang giai đoạn co giật thì ông Vương đưa đến Trạm Y tế xã Cư A Mung cấp cứu, được vài phút thì tử vong. Đến 7 giờ 10 phút cùng ngày, ông Vương cũng biểu hiện các triệu chứng tương tự được người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo để cấp cứu và điều trị.

Theo một số thông tin cho rằng, nạn nhân tử vong do ngộ độc rượu ngâm Hà thủ ô. Tuy nhiên, bà Lê Thị Châu cho biết. Qua điều tra xác minh thì bình rượu nạn nhân uống có nhiều loại rễ cây rừng trong đó có Hà thủ ô và nhiều loại chưa xác minh được tính chất thảo dược. Hiện bình rượu đang được cơ quan Công an niêm phong phục vụ cho công tác điều tra nên Chi cục chưa thể đưa ra kết luận nạn nhân tử vong có phải do nguyên nhân ngộ độc rượu hay không.

Liên quan đến rượu ngâm rễ cây trong đó có hà thủ ô Ts.Bs Trần Thái Hà, Bệnh viện Y học cồ truyền TƯ chia sẻ một số thông tin cụ thể như sau: Hà thủ ô là một vị thuốc quý đã sử dụng lâu đời và không có độc tính nên khó có thể kết luận là sử dụng rượu ngâm Hà thủ đô gây ngộ độc.

Đối với tình huống ngộ độc của bệnh nhân này là sử dụng rượu ngâm các loại rễ cây gia đình tự đào trong rừng về. Do vậy bệnh nhân bị ngộ độc cũng chưa loại trừ nguyên nhân gây độc là do rượu nhất là ta không có thông tin cụ thể về số lượng rượu bệnh nhân đã uống. Hơn nữa bệnh nhân tự ngâm nhiều loại rễ thì các bác sỹ cũng không thể kết luận là bệnh nhân bị ngộ độc Hà thủ ô vì không có bằng chứng để xác định là có phải bệnh nhân ngâm vị thuốc Hà thủ ô hay là có các loại rễ cây lạ trong rừng có độc tính. Một vấn đề cần đặt ra nữa theo thông tin gia đình đã cung cấp thì rượu này gia đình đã uống nhiều lần nhưng không ai bị gì, vậy phải chăng là bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng quá liều của rượu chứ không phải do các rễ cây đã ngâm trong rượu đó.

Như vậy qua các điểm phân tích đã nêu trên thì không thể đưa ra chẩn đoán là bệnh nhân bị cấp cứu do ngộ độc rượu Hà thủ ô. Tuy nhiên, việc này cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã và đang sử dụng rượu cần thận trọng vì uống rượu với số lượng nhiều, đặc biệt là uống rượu khi dạ dày đang rỗng thì tăng quá trình hấp thu nhanh hơn có nguy cơ gây ngộ độc rượu. Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu ngâm thuốc YHCT cần lựa chọn các vị thuốc đúng theo chỉ định kê đơn của bác sỹ chuyên khoa YHCT và tìm đến những cơ sở cung cấp dược liệu YHCT uy tín để đảm bảo hiệu quả, an toàn và tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra .

Cần bỏ thói quen “ loại gì cũng ngâm”

Theo BS.Trần Thị Hải. Bộ môn y học cổ truyền- Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên; người dân cần loại bỏ thói quen quen sử dụng rượu thuốc với các loại dược liệu “loại gì cũng ngâm ” khiến nhiều người bị ngộ độc và tử vong. Nhất là các nam giới coi các loại thảo dược và các dược liệu bổ dương, cải thiện bản lĩnh đàn ông, họ thường sử dụng các loại rượu thuốc với các dược liệu như: các động vật như hải mã, tắc kè, sừng tê, tam xà, ngọc dương, bìm bịp, trăn, sử dụng nguyên con vật hoặc lấy máu tươi, mật tươi ngâm chung với rượu. Với quan niệm thảo dược không tác dụng phụ và bồi bổ, nhất là vùng miền núi loại thảo dược như: dâm dương hoắc, phá cố chỉ, nhân sâm, sâm quy, hà thủ ô, ngũ gia bì, câu kỷ, đỗ trọng… hay được ưa chuộng trong khi các dược liệu này có thể dễ nhầm. Đa số người dân tìm kiếm theo kinh nghiệm nên có thể nhầm các loại rễ cây có độc như cây lá ngón, cây mã tiền, cây hoàng nàn, phụ tử, cà độc dược… vì vậy có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong là không tránh khỏi. Chưa kể đến quá trình bào chế, bảo quản dược liệu không đúng cách nấm mốc phát triển trên dược liệu. Chính các độc tố sản sinh ra từ nấm mốc (đứng đầu là chất aflatoxin) là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc trước mắt, còn về lâu dài thì sẽ gây nhiều loại bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư gan… BS.Trần Thị Hải chia sẻ thêm.

Vì vậy, người dân không tự ý ngâm và tự sử dụng rượu thuốc nhất là đối với người mắc các bệnh : tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, thần kinh suy nhược không được uống rượu thuốc. Tuyệt đối không uống rượu lúc bụng đói vì nồng độ rượu sẽ lên cao trong máu dễ gây ngộ độc.

Exit mobile version